Những năm qua, với vai trò, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội nông dân trong cả nước đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 3 năm, Hội nông dân các phường, xã Tp. Phan Thiết đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể tham gia tiếp nhận, giải quyết gần 650 lượt đơn kiến nghị, tố cáo.
Hội nông dân Phan Thiết tham gia cử cán bộ chuyên trách trực tiếp phối hợp tham gia trả lời cho gần 700 lượt công dân. Nhờ cách giải quyết thấu tình đạt lý, cặn kẽ nên có nhiều trường hợp hộ dân tự nguyện rút đơn, hoặc không tiếp tục khiếu kiện vượt cấp.
Các tổ hòa giải cơ sở của Hội nông dân các cấp đã tham gia hòa giải hơn 1.100 vụ, với tỉ lệ hòa giải thành lên đến gần 62%, qua đó hạn chế việc khiếu kiện ngay từ khi mâu thuẫn mới phát sinh, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, vừa giữ được tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư.
Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã có nhiều khó khăn, vùng miền núi, giúp hội viên, nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Thành Hội đã ban hành Chương trình kiểm tra, giám sát tập trung các nội dung: Củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm tra các cấp Hội; tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; việc thi hành Điều lệ Hội, kiểm tra các chương trình, dự án do Hội thực hiện; phối hợp kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng đời sống văn hóa – văn minh đô thị...
Các cấp Hội đã thực hiện được 1.750 cuộc kiểm tra: về tình hình sản xuất và đời sống của hội viên nông dân; kiểm tra các nguồn vốn vay; kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03; kiểm tra toàn diện 42/42 cơ sở Hội: nhằm nâng cao chất lượng hội viên và tổ chức cơ sở Hội; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ, di dời giải toả, bảo vệ môi trường...
Hội cũng củng cố và duy trì hoạt động 42 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại 42 cơ sở hội, qua đó phối hợp tổ chức 792 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 32.642 lượt nông dân; tiếp nhận 136 đơn, thư khiếu nại, kiến nghị của nông dân, nội dung chủ yếu về đất đai, đền bù giải toả, ô nhiễm môi trường tại cơ sở, Hội đã chuyển đến các cơ quan chức năng và phối hợp giải quyết xong 136/136 đơn; phối hợp hoà giải thành 222 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tích cực tham gia các đoàn công tác liên ngành do Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh thành lập để thẩm định, đối thoại với dân, giải quyết những vướng mắc, bức xúc của nhân dân. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật ở các huyện, thành phố. Tỉnh hội thành lập các đoàn kiểm tra theo chuyên đề Quỹ hỗ trợ nông dân; Quỹ hoạt động Hội; Chương trình phối hợp với 2 Ngân hàng (Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội) tại 6 huyện, thành Hội. Tổ chức giám sát 07 mô hình chi hội nông dân phòng, chống lao tại 4 huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Thế; chỉ đạo các cấp Hội tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị…
Qua kết quả xếp loại hàng năm cho thấy, số cơ sở đạt vững mạnh ngày càng tăng, số cơ sở xếp loại trung bình ngày càng giảm. Năm 2014 có 87,2% cơ sở xếp loại vững mạnh; 12,4% cơ sở xếp loại khá; 0,4% cơ sở xếp loại trung bình. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, xứng đáng với vai trò là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Hải Tâm