Hội Nông dân thành phố Hải Phòng thường xuyên chú trọng tuyên truyền, quán triệt các văn bản về xây dựng và thực hiện QCDC của Trung ương, của thành phố như Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, Nghị định 71 của Chính phủ, Chương trình hành động số 33 của Thành ủy.
6 tháng đầu năm, các cấp Hội vận động nông dân thực hiện dân chủ trong phát triển kinh tế-xã hội; chủ động, phối hợp cùng chính quyền thực hiện các Nghị quyết đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội đã thực hiện tốt công tác Hội và 3 phong trào nông dân, trong đó có phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, 6 tháng đầu năm đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của các cấp ngày càng lớn mạnh góp phần giảm nhanh hộ nghèo, tăng hộ khá và giàu
Một trong những nội dung cụ thể trong việc thực hiện dân chủ cơ sở đó là việc nhân dân nói chung và cán bộ, hội viên nói riêng là Vận động nông dân thực hiện dân chủ trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hội Nông dân xã, phường, thị trấn đều tích cực tham gia đóng góp ngày công, góp kinh phí cho công việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương. Hội Nông dân cơ sở đã đảm nhiệm một số tuyến đường tự quản, bảo đảm xanh, sạch đẹp và an toàn nông thôn. Tiêu biểu như Hội Nông dân huyện Kiến Thụy 6 tháng đầu năm đã vận động tự nguyện hiến 3.142m2 đất thổ cư, đóng góp 2.169 triệu đồng, 2.438 ngày công, làm mới 10,8km đường giao thông nông thôn.
Cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện QCDC trong hòa giải mâu thuẫn nội bộ nông dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội nông thôn. Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân thành phố đã chủ động phối hợp với Thanh tra, Sở Tư pháp thành phố tuyên truyền phổ biến Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Hòa giải ở cơ sở và nghiệp vụ công tác hòa giải cho hàng trăm cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn thành phố. Đối tượng tuyên truyền quan tâm tới cán bộ chi hội ở cơ sở và quan tâm tới các địa phương có dự án lớn xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, dự án trọng điểm như dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đi qua, liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Các cấp Hội nhất là Hội Nông dân cơ sở đã tập trung làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở; trước hết giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ hội viên, nông dân. Trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết 62 vụ việc, không có khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, khắc phục quan liêu, nhũng nhiễu, xa dân. Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 18/12/1998 về tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở xây dựng Ban Chỉ đạo có sự tham gia đại diện của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Đồng thời xây dựng các hình thức để nhân dân được biết, bàn bạc và tham gia ý kiến như hình thức niêm yết các nội dung công khai tại trụ sở UBND xã, công khai các quyền lợi, nghĩa vụ công dân nhất là các khoản thu, chi của nhân dân trong công tác xây dựng hạ tầng cơ sở; công khai các thủ tục hành chính như làm hộ khẩu, trình tự và thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Chính từ sự công khai này đã giảm bớt phiền hà, sách nhiễu của cán bộ tại địa phương, cơ sở. Thời gian qua, hội viên, nông dân đã tích cực hưởng ứng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tuy nhiên có nơi một số công tác dân bàn, dân kiểm tra chưa được nhiều, do vậy dân chưa hiểu dẫn đến khiếu kiện nhất là những nơi có dự án thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng.
Tham gia cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các đoàn thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và phản biện xã hội theo quy định; tập hợp ý kiến kiến nghị của hội viên, nông dân để phản ánh với cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thu Hà