Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã tích cực phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền PL cho cán bộ, hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực: tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, tư vấn PL, tổ chức hội thi, sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với PL…
Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức 12 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến kiến thức PL cho 700 lượt cán bộ, hội viên nông dân vùng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập, chiếm tỷ lệ 10,4% so với tổng số hội viên toàn tỉnh. Trong đó, có 2 lớp mở theo cụm xã gồm 14 cơ sở Hội với số lượng 200 hội viên, nông dân tham gia, năm 2012 tổ chức 10 lớp tập huấn với số lượng 500 hội viên, nông dân ở 10 xã, trong đó có 5 xã 100% học viên là người dân tộc thiểu số tham gia. Nội dung tập huấn tuyên truyền là những chủ trương của Đảng, chính sách PL của Nhà nước, những văn bản pháp luật có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, liên quan trực tiếp đến đời sống của nông dân như: Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật hôn nhân và gia đình…Đối với cán bộ Hội bổ sung thêm nội dung về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật cho hội viên, nông dân. Đa số nông dân tham gia lớp tập huấn đều nắm bắt được những chính sách PL được truyền đạt, hiểu được các quy trình khiếu nại, tố cáo, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… do áp dụng phương pháp mọi người cùng tham gia nên các học viên đã mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình về những vấn đề bất cập trên địa bàn, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, mâu thuẫn được giải toả kịp thời. Tuy số lượng cán bộ Hội các cấp, cán bộ tư vấn PL, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên tham gia chưa nhiều nhưng có kinh nghiệm đã được tập huấn đã tuyên truyền cho nông dân đưa nhận thức PL của hội viên, nông dân được nâng lên một bước. Trong 3 năm qua, chỉ có 151 trường hợp mâu thuẫn, xích mích xảy ra trong cộng đồng dân cư nông thôn. Điển hình trong thời gian qua, đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên PL đã trợ giúp pháp lý cho 10.547 trường hợp, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại tố cáo của hội viên, nông dân.
Do công tác tuyên truyền PL đi sâu vào các lĩnh vực xã hội, vào các chuyên đề cụ thể có liên quan trực tiếp đến đời sống của hội viên, nông dân nên công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục PL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả thiết thực. Các cấp Hội đã phối hợp với các cấp chính quyền đưa 23 đối tượng ra kiểm điểm trước dân, cung cấp cho công an 48 nguồn tin quan trọng, nhận giáo dục 26 đối tượng tại cộng đồng, tham gia giải quyết 41 vụ gây rối trật tự công cộng, 18 vụ vi phạm an toàn giao thông nông thôn, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng truyền đạo trái phép trên địa bàn huyện Bác Ái. Từ đó, nhận thức và ý thức chấp hành PL của hội viên, nông dân được nâng lên một bước, hạn chế đơn thư khiếu kiện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội địa phương.
Để có được những kết quả tích cực nêu trên, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã phải tăng cường phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân, đồng thời triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với hội viên, nông dân ở các địa bàn khác nhau. Qua quá trình triển khai thực hiện, Hội Nông dân tỉnh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất là phải có sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa Hội Nông dân tỉnh với chính quyền và các ban, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để triển khai xuống các cấp Hội thực hiện.
Thứ hai là tăng cường sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ ba là cần tăng cường công bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kiến thức PL và nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội làm công tác tuyên truyền, tư vấn PL, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thứ tư là sự nỗ lực của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc chủ động nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức pháp luật cho mỗi cá nhân, trang bị cho mình những kiến thức PL cần thiết khi tham gia các quan hệ xã hội, tham gia các hợp đồng phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
Phương Anh