Quận Long Biên nằm ở cửa ngõ phía Đông bắc của Thủ đô Hà Nội, với nhiều đầu mối giao thông quan trọng. Diện tích đất tự nhiên 6.038ha, trong đó diện tích đất canh tác 1.072 ha. Hội Nông dân quận có 11 tổ chức cơ sở Hội, 172 chi Hội với 10.047 hội viên.
Những năm qua, các cấp Hội trên địa bàn quận xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ thường xuyên của Hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, hội viên chấp hành pháp luật, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn quận. Hội đã phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành tổ chức 841 buổi tuyên truyền với 108.759 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, chương trình phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, gia đình văn hóa, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; các chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các bộ Luật mới ban hành, tuyên truyền chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Thông qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, sự hiểu biết cũng như ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, hội viên, nông dân được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh các buổi tuyên truyền chuyên đề, các cấp Hội còn có nhiều hình thức tuyên truyền khác như lồng ghép với các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, triển khai công tác của Hội hoặc sinh hoạt hàng tháng để tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, nông dân về trách nhiệm cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên cũng như trách nhiệm của tổ chức Hội với các nhiệm vụ chính trị của quận và thành phố.
Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Hội Nông dân Quận còn chú trọng công tác trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân. Hàng năm Hội xây dựng kế hoạch phối hợp với phòng Tư pháp, Hội luật gia Thành phố tổ chức 25 buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho hội viên, nông dân tại các phường trên địa bàn Quận với các nội dung chủ yếu liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của gia đình, hội viên, nông dân. Thông qua đó đã góp phần đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội không để xảy ra hiện tượng khiếu kiện vượt cấp trên địa bàn quận.
Các cấp Hội tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó nâng cao tinh thần tự chủ, nhận thức về quyền và nghĩa vụ công dân tham gia xây dựng quy chế, quy ước ở tổ dân phố, làm chủ xã hội đi đôi với việc giữ gìn kỷ cương xã hội. Có thể nói việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân và phát huy nội lực của nhân dân trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.
Xuân Thu