Hòa Bình: Tuyên truyền pháp luật cho trên 1,2 triệu hội viên, nông dân
14:25 - 19/09/2022
(KNTC)- Thực hiện Nghị định 77 của Chính phủ về tư vấn pháp luật lồng ghép với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), 15 năm qua (2008-2022), các cấp Hội đã góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn. 
Các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật thông qua các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ Hội, thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm, gặp mặt truyền thống...


Đến nay, Hội ND tỉnh đã ban hành trên 100 văn bản tuyên truyền về PBGDPL, tăng cường cảnh giác đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật. Hàng quý Hội ND tỉnh ban hành văn bản định hướng công tác tuyên truyền trong đó có tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân.
 
 
Các cấp Hội tích cực triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện tư vấn pháp luật hiệu quả bằng nhiều hình thức mới như: Tư vấn trực tiếp, thảo luận, đối thoại, tổ chức các lớp tư vấn pháp luật, thông qua tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu sân khấu hóa, phối kết hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể chính trị để lồng ghép tổ chức các hoạt động truyền thông phổ biến giáo dục pháp luật.
 
 
Hàng năm, Hội ND tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến việc tư vấn pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật. Hội ND các cấp tăng cường các hoạt động tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật về Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các Luật: Tổ chức chính quyền địa phương, ngân sách nhà nước, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, đất đai, Bộ luật Dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật Lao động,... cho cán bộ, hội viên, nông dân.
 
 
Hội ND tỉnh còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, hội viên các văn bản quy phạm pháp luật và các kiến thức về an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống ma túy, mua bán người, xâm hại trẻ em… do báo cáo viên có kinh nghiệm truyền đạt. Sau khi nghiên cứu, học tập, Hội đều tổ chức tư vấn hỗ trợ pháp luật trực tiếp, trả lời hỏi đáp pháp luật giúp nông dân hiểu và thực hiện.
 
 
Đồng thời, Hội phối hợp với các ngành chức năng giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nông dân. Đến nay, Hội trực tiếp hòa giải 1.233 vụ, hòa giải thành 1.073 vụ (đạt 87% tại các cơ sở), đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, làm giảm thiểu khiếu nại, tố cáo vượt cấp, đông người, qua đó giúp nông dân hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật.
 
 
Đến nay, đội ngũ cán bộ Hội trực tiếp tư vấn pháp luật từng bước được kiện toàn. Hội ND tỉnh có 01 báo cáo viên cấp tỉnh, là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Đội ngũ cán bộ Hội làm công tác tuyên truyền PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở phát triển cả về số lượng và chất lượng với 171 cộng tác viên tuyên truyền PBGDPL ở cơ sở.
 
 
Hội thường xuyên rà soát, đánh giá trình độ đội ngũ cán bộ Hội làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, thông qua đó có các giải pháp để trẻ hóa đội ngũ cán bộ; lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực phẩm chất tốt và thực sự tâm huyết, gắn bó với tổ chức Hội để đưa đi đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã củng cố kiện toàn và bồi dưỡng được 151 cán bộ cấp xã và 20 cán bộ cấp huyện, tỉnh tham gia.
 
 
Các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật thông qua các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ Hội, thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm, gặp mặt truyền thống để phổ biến, quán triệt công tác giáo dục pháp luật, qua các buổi thảo luận chuyên đề, sinh hoạt tại chi, tổ Hội, hội viên, nông dân được nghe phổ biến nội dung về những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là kết quả tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
 
Bên cạnh đó các cấp Hội tập trung phổ biến kịp thời các văn bản mới ban hành; tiếp tục tăng cường phổ biến các quy định pháp luật của Trung ương và địa phương phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, các văn bản pháp luật trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm và liên quan đến đời sống, sinh hoạt và mối quan tâm của nông dân như: Phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; quản lý, sử dụng tài chính, đất đai, tài nguyên, khiếu nại, tố cáo; pháp luật, chính sách về thuế; an toàn giao thông; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý...
 
 
Ngoài ra, các cấp Hội chủ động phối hợp với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chỉ đạo cán bộ, hội viên, nông dân gương mẫu thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, vận động cán bộ, hội viên tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt, thực hiện quy ước, hương ước ở làng, bản, văn minh nơi đô thị, tham gia lễ hội truyền thống tại địa phương góp phần khôi phục và giữ gìn nét văn hoá bản sắc dân tộc.
 
 
Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các cuộc giao lưu sân khấu hóa được Hội đổi mới về cách thức và thực hiện qua nhiều phương tiện truyền thông. Các cơ sở Hội phát huy tính tích cực, chủ động của cán bộ cơ sở cũng như làm tốt công tác phối kết hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể chính trị để lồng ghép tổ chức các hoạt động truyền thông PBGDPL.
 
 
Hội còn chủ động phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức biên soạn các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ cho công tác tuyên truyền luật theo chủ đề, các câu chuyện tình huống giải quyết cho cán bộ Hội; các tờ rơi, tờ gấp về Luật đất đai, Luật phòng chống ma tuý, an toàn giao thông... phù hợp với điều kiện và trình độ của cán bộ Hội cơ sở. Hội đã xây dựng trang Website để triển khai các nội dung công tác Hội và phổ biến pháp luật cho nông dân; phát hành 60 số ấn phẩm Thông tin công tác Hội với số lượng trên 126.000 cuốn phát đến chi Hội, có các tin, bài phổ biến, giáo dục pháp luật, giải đáp pháp luật cho nông dân; phối hợp với Đài truyền hình tỉnh, báo Hòa Bình để xây dựng chuyên mục, chuyên đề mỗi tháng một số “Nông dân Hòa Bình hội nhập và phát triển”; xây dựng câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, xây dựng tủ sách pháp luật, làm nơi sinh hoạt giúp nông dân nâng cao hiểu biết, nhằm hạn chế khiếu kiện vượt cấp.
 
 
Hội ND tỉnh đã tăng cường phối hợp với các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội ND Việt Nam, Trường Chính trị tỉnh và các ngành tổ chức được 21 lớp đào tạo cho 1.460 cán bộ Hội là báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cấp cơ sở về nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp vận động nông dân.
 
 
Đến nay, các cấp Hội đã tổ chức 17.312 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 1.213.422 lượt hội viên; trợ giúp pháp lý cho 73.867 lượt cán bộ, hội viên. Đồng thời tổ chức 152 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 12.160 cán bộ Hội các cấp.
 
 
Hội còn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cộng đồng nông thôn thực hiện nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về tăng cường quyền tiếp cận đất đai và hòa giải cơ sở trong lĩnh vực đất đai như: Tổ chức 5 khoá tập huấn TOT đào tạo giảng viên nguồn cho 25 người; 16 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 480 người là cán bộ đoàn thể cấp xã, đại diện tổ hoà giải, những người có uy tín ở địa phương; 06 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 300 thành viên tổ hoà giải ở cơ sở và tư vấn pháp luật liên quan đến đất đai cho trên 900 lượt người; tổ chức 06 cuộc phát động truyền thông và sân khấu hoá về quyền tiếp cận đất đai và hoà giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai tại các xã: Tú Lý, Hiền Lương, Cao Sơn (huyện Đà Bắc), Thành Sơn, Chiềng Châu, Vạn Mai (huyện Mai Châu); tuyên truyền những quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất trên hệ thống loa phát thanh tại các xã dự án.
Trung Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp