Nam Định: Phối hợp trợ giúp pháp lý lưu động cho hơn 1000 lượt hội viên, nông dân
Hàng năm, các cấp Hội đã phối hợp với ngành Tư pháp, Thanh tra tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho trên 5.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân về Luật Đất đai, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo...Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động và tư vấn pháp luật cho hơn 1.000 lượt hội viên, nông dân.
Hội ND tỉnh phối hợp với Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội tổ chức 14 lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác giám sát và phản biện xã hội cho trên 1.500 cán bộ, hội viên nông dân ; phối hợp với Hội Luật gia tổ chức 06 hội nghị tuyên truyền về một số nội dung cơ bản của Luật Đất đai cho hơn 400 cán bộ, hội viên nông dân tại các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu và Xuân Trường. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 4 lớp tập huấn về Luật Đất đai nhất là những chính sách liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho cán bộ, hội viên nông dân của 4 huyện: Xuân Trường, Vụ Bản, Nam Trực và Mỹ Lộc...
Đồng thời, các cấp Hội tiếp tục vận động hội viên, nông dân thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế tích cực tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội tổ chức 75 lớp truyền thông và đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 5.450 cán bộ, hội viên nông dân Hội ND tỉnh phối hợp với Ban Xã hội, Trung ương Hội tổ chức hội nghị đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 300 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân tại huyện Giao Thủy; tổ chức hội thi “Nông dân với chính sách BHXH, BHYT” tại huyện Nghĩa Hưng góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong toàn tỉnh đến nay đạt 93%.
Hội còn phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế tỉnh tổ chức 08 hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác an toàn thực phẩm cho 520 cán bộ, hội viên nông dân các đơn vị Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh và Mỹ Lộc .Nội dung tuyên truyền về một số quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Các mối nguy về ATTP; Bảo đảm ATTP trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nguồn gốc thực vật, động vật; Quy trình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, khoa học công nghệ mới; Kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, bảo quản, chế biến, tiêu dùng vệ sinh ATTP….
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi quốc gia, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022. Cụ thể hóa “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025” tại tỉnh Nam Định.
Các cấp Hội phối hợp với chính quyền, công an, quân đội tích cực tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên nông dân nắm vững nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới tham gia lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên bảo đảm số lượng, chất lượng; vận động con em nông dân thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, lên đường nhập ngũ.
Bên cạnh đó, tỉnh còn phối hợp với ngành Công an về vận động nông dân thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 của Chính phủ về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội nhất là thực hiện tốt phong trào và phát huy hiệu quả của mô hình về an ninh trật tự, góp phần ổn định tình hình chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn. xã Giao Xuân(huyện Giao Thủy), thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu). Tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của 137 mô hình tự quản về an ninh trật tự.
Với mục đích tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân trong việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông; tham gia xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn an toàn, giải toả và bảo vệ hành lang an toàn giao thông…Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh tổ chức 20 lớp tập huấn và truyền thông về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho trên 2.000 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo xây dựng 11 mô hình “Câu lạc bộ Nông dân với an toàn giao thông” với tổng số 220 thành viên. Mô hình sinh hoạt định kỳ 01 lần/tháng trên tinh thần tự nguyện của cán bộ, hội viên nông dân có nguyện vọng tìm hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông.