Hải Dương: Phối hợp giải quyết mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nông dân
10:25 - 18/07/2017
(KNTC) - Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương có nhiều dự án phát triển kinh tế được triển khai như xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu đô thị tạo điều kiện cho kinh tế xã hội của địa phương có bước phát triển mạnh mẽ. Song bên cạnh đó cũng nảy sinh một số khó khăn vướng mắc nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng.

Hội ND tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các chủ trương chính sách liên quan trực tiếp đến các vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn (Ảnh minh họa)


Một bộ phận nông dân khi bị thu hồi đất đã phát sinh thắc mắc, khiếu kiện về giá cả đền bù, các quyền lợi được hưởng khi bị thu hồi đất đã cản trở việc bàn giao mặt bằng, thi công xây dựng như ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành), xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.


Mặt khác, một số mâu thuẫn, tranh chấp mới phát sinh như: Tranh chấp mốc giới đất tại xã Nam Chính, huyện Nam Sách, phân chia ruộng đất tại xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, đền bù hoa màu bị khói bụi lò gạch làm hư hại ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà đã làm ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển chung của tỉnh.

 
Trước tình hình đó, để giải quyết mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nông dân, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đặc biệt các chủ trương chính sách liên quan trực tiếp đến các vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn.


Hội đã chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng, băn khoăn thắc mắc, những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân để kịp thời báo cáo và tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ngành chức năng có biện pháp giải quyết kịp thời; vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia các ban, tổ hoà giải ở cơ sở; nắm vững nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh những mâu thuẫn, khiếu kiện trong nông dân để có phương pháp tuyên truyền hoà giải thích hợp, không để diễn biến phức tạp trở thành các điểm “nổi cộm” kéo dài; cô lập, phân hoá những phần tử quá khích lợi dụng dân chủ để gây rối.

 
Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với lực lượng chức năng, các ban, ngành, đoàn thể tham gia được trên 14.700 buổi tiếp dân cho trên 23.400 lượt người; tham gia hòa giải 4.856 vụ, hòa giải thành công 3.758 vụ; tiếp nhận 694 đơn thư, đã giải quyết xong 579 đơn thư; tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo 922 vụ, số vụ giải quyết xong là 724 vụ.


Điển hình như: Hội ND xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc phối hợp với chính quyền, địa chính xã giải quyết đơn kiến nghị của 12 hộ dân không đồng tình với việc phân chia ruộng của Ban Chỉ đạo dồn ô, đổi thửa của xã.


Sau khi xem xét cụ thể, thấy phương án phân chia của Ban Chỉ đạo như vậy là tối ưu, tổ hoà giải, Ban Chấp hành Hội ND cơ sở đã tổ chức họp với 12 hộ dân, tuyên truyền, giải thích. Sau khi hiểu rõ vấn đề 12 hộ dân đã tự nguyện rút đơn, chấp hành Nghị quyết của xã và của Ban Chỉ đạo.

 
Vụ 18 hộ nông dân và nhân dân khu 11, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương cùng ký đơn đề nghị Hội ND phường can thiệp, đề nghị UBND phường trình UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ này, nguyên nhân do chưa kết hợp đúng về trình tự thủ tục, nguồn gốc đất đai…


Trên cơ sở đó, Hội ND phường đã hướng dẫn các hộ làm đơn đề nghị UBND phường giải quyết theo đúng thẩm quyền đối với từng trường hợp. Nhận đơn đề nghị, UBND phường, cán bộ địa chính đã xác minh, xem xét từng trường hợp cụ thể và trình UBND thành phố quyết định.


Hiện nay, 18 hộ nông dân và nhân dân khu 11 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có thể thấy, phần lớn nông dân vi phạm pháp luật là do chưa hiểu rõ chính sách pháp luật; trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nông dân một số nơi còn hạn chế.


Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giảm bớt tình trạng dẫn đến vi phạm pháp luật, hạn chế phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện.

 
Được sự chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí của Trung ương Hội NDVN, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các cấp lựa chọn 16 cơ sở Hội để xây dựng các mô hình điểm thực hiện Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các cấp Hội tập trung tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật nâng cao hiểu biết về pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới.


Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 81 các cấp, duy trì 52 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” và tủ sách pháp luật; tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí để các mô hình xây dựng điểm làm tốt công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, tham gia tiếp dân, hoà giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nông dân.

 
 Hội ND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, xây dựng 4 mô hình điểm “Cơ sở Hội tham gia tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” tại các xã Cao An, huyện Cẩm Giàng,  Nam Chính, huyện Nam Sách, Phạm Trấn, huyện Gia Lộc và phường Bình Hàn, TP. Hải Dương.


Các mô hình hiện đang hoạt động tích cực và phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế mâu thuẫn, khắc phục tình trạng nông dân khiếu kiện vượt cấp dẫn đến vi phạm pháp luật.

 
Điển hình như: Vụ tranh chấp ranh giới đất ở giữa 2 hộ dân là bà Lý với hộ ông Vỹ - xã Nam Chính, huyện Nam Sách đã xảy ra xô sát, cãi nhau, gây mất an ninh trật tự thôn xóm. Nhận được thông tin, Hội ND xã đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiến hành hòa giải theo quy định.



Bằng kỹ năng hòa giải, sự nhiệt tình, trách nhiệm trong vận động, thuyết phục, 2 hộ đã nhận ra giá trị của tình làng nghĩa xóm "bầu ơi thương lấy bí cùng”,  do vậy mâu thuẫn giữa 2 hộ đã được hóa giải. Hiện nay, 2 gia đình sống rất đoàn kết, hòa thuận.

 
Để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phối hợp tham gia giải quyết mâu thuẫn, khiếu nại trong nội bộ nông dân, các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân; phải thường xuyên sâu sát cơ sở, chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện sớm những dấu hiệu phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện; đi sâu tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện; tính chất, động cơ, mục đích khiếu kiện; thành phần tham gia khiếu kiện để tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tìm phương án giải quyết ngay từ cơ sở.
 

Bảo Lê
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp