( KNTC) -Trong 10 năm qua, tình hình việc triển khai thực hiện pháp luật về PCTN đã được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân đã góp phần tạo nên sự đồng thuận, nhất trí, ủng hộ cao của toàn xã hội .
Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng bao gồm: Các đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp huyện, công chức cơ quan Hội Nông dân tỉnh phổ biến quán triệt Luật PCTN. 13/13 huyện, thành, thị Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn, tổ chức quán triệt Nghị quyết với các mục tiêu, quan điểm, định hướng, giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến 269 cơ sở Hội, 100% cán bộ và 95% hội viên, nông dân. Thực hiện quán triệt: Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 ngày 29/11/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng, chống tham nhũng số 01/2007/QH12 ngày 04/8/2007; Luật số 07/2012/QH13; Chỉ thị số 21/2005/CT-TTg ngày 15/6/2005 về việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc Hội về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà Nước và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng.
Thực hiện chương trình trọng tâm công tác Hội, hàng năm Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ xây dựng kế hoạch, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách các huyện, thành, thị Hội có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện tuyên truyền, giáo dục pháp luật, định kỳ báo cáo Thường trực hàng quý tại cuộc giao ban tháng đầu quý. Giao cho Ban Tổ chức - Kiểm tra là bộ phận đầu mối tham mưu cho Ban Thường vụ tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp báo cáo. Đầu năm tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành, thị triển khai nhiệm vụ, chương trình công tác, giao chỉ tiêu thi đua về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng mô hình Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, đây là một trong những chỉ tiêu đánh giá, xếp loại phong trào Hội.
Hàng năm Hội Nông dân tỉnh phối hợp Trung tâm trợ giúp pháp lý, phòng Tư pháp của các huyện, thành, thị tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng tại các hội nghị chuyên đề, tổng số đã tổ chức được 26 lớp, với 1.820 lượt hội viên, nông dân tham gia tại 13/13 huyện, thành, thị Hội. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được 7.133 buổi tuyên truyền, sinh hoạt, cho 399.448 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia; duy trì hoạt động có hiệu quả 235 CLB "Nông dân với pháp luật". Hàng quý Hội Nông dân tỉnh biên tập và phát hành cuốn Thông tin công tác Hội, trong đó có chuyên mục tuyên truyền về Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật mới của Nhà nước, trong 10 năm qua đã phát hành được trên 130.000 cuốn, cấp phát đến chi, tổ Hội làm tài liệu sinh hoạt, học tập.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg, đến nay mô hình do tỉnh xây dựng là 09 mô hình, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân huyện và Hội Nông dân xã phối hợp với phòng Tư pháp huyện thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật trong đó có Luật phòng, chống tham nhũng cho trên 2.800 lượt cán bộ, hội viên. Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" đã được duy trì nền nếp, hiệu quả. Hình thức sinh hoạt được Ban chủ nhiệm thường xuyên thay đổi phù hợp, tạo được sự hấp dẫn cho hội viên. Nội dung các buổi sinh hoạt gồm: Trao đổi thông tin tình hình thực hiện pháp luật ở các khu; tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án tại địa phương; thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở; tuyên truyền tìm hiểu về các bộ Luật; văn bản chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các nhóm cộng tác viên tích cực tham gia sinh hoạt CLB, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện và giám sát việc thực hiện luật pháp, Pháp lệnh dân chủ cơ sở, biểu hiện, hành vi tham nhũng lãng phí, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương… Các cấp Hội đã tổ chức được 82 buổi sinh hoạt, các thành viên rất tích cực tham gia sinh hoạt luôn đạt tỷ lệ trên 95% .
Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và hội viên, nông dân các cấp luôn gương mẫu, tiên phong, nghiêm túc chấp hành thực hiện và ngăn ngừa tham nhũng, bằng việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ quan, công tác tuyên được nghiêm chỉnh chấp hành, hằng năm đưa vào chương trình công tác và cũng là một trong các tiêu trí để bình xét chấm điểm thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao.
Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, xây dựng Quy chế hoạt động của ban chỉ đạo. Thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, Đảng đoàn, Chi bộ, Ban Chấp hành công đoàn cơ quan Hội Nông dân tỉnh hàng năm thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến tới toàn thể cán bộ viên chức, đảng viên các văn bản quy định về PCTN để cán bộ, công chức hiểu và thấy rõ được vai trò trách nhiệm của mình trong việc thực hiện phòng chống và đấu tranh với tham nhũng trong giai đoạn hiện nay./.