Thời gian qia, các cấp Hội tập trung kiểm tra tình hình triển khai nghị quyết của Hội cấp trên, xây dựng chương trình công tác trọng tâm để cụ thể hóa thực hiện các chỉ tiêu thi đua của Hội cấp trên giao.
Bằng những hình thức kiểm tra đa dạng như: kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, có thể thấy phương pháp kiểm tra được cải tiến đáng kể, kiểm tra sâu sát đến từng chi, tổ Hội.
Các cấp Hội vận dụng nhiều hình thức trong đó tự kiểm tra là chính, kết hợp với kiểm tra chéo, kiểm tra của cấp trên góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội nói chung và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Cụ thể, Hội triển khai kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý, phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ Hội, các nguồn vốn ủy thác, liên tịch với ngân hàng; kiểm tra công tác chuyển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cơ sở về cấp huyện quản lý, về thủ tục pháp lý để Quỹ hoạt động, đến nay có 7/8 huyện, thị, thành Hội đã hoàn thành việc chuyển đổi nguồn vốn ( trừ Diên Khánh); 4/8 huyện, thành phố hoàn thành các thủ tục pháp lý để Quỹ hoạt động (Nha Trang, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Diên Khánh).
Kết quả có 237 cuộc kiểm tra ở các cấp Hội (cấp tỉnh 7, huyện 96, cơ sở 134). Qua công tác kiểm tra, các đơn vị được kiểm tra đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hội và phong trào nông dân của năm, xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra, kế hoạch công tác thi đua khen thưởng; tổ chức phát động và giao các chỉ tiêu thi đua trong năm cho các cơ sở và từng chi hội; tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chương trình công tác Hội và các văn bản khác của Hội Nông dân các cấp.
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động xây dựng điểm thực hiện Chỉ thị số 26 và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ về Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, Tỉnh Hội chọn xã Cam An Nam (Cam Lâm) làm điểm, xây dựng CLB “ Nông dân với pháp luật”; chỉ đạo các cấp Hội tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại, tố cáo và phối hợp cùng tham gia hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chú trọng tham gia phối hợp hòa giải trong nông dân. Cụ thể Hội đã hòa giải thành 6 vụ tranh chấp trong nội bộ nông dân chủ yếu là tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình. Việc hòa giải ở cơ sở phải giải quyết kịp thời, qua đó giúp ngăn chặn ngay từ đầu những tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân và hành vi vi phạm pháp luật, không để mâu thuẫn, tranh chấp đơn giản thành phức tạp, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần giữ ổn định trật tự xã hội. Nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa hàng xóm, láng giềng, giữa những người thân trong gia đình, dòng họ nhờ được kịp thời can thiệp, dàn xếp của những cán bộ hòa giải mà giải tỏa được những bức xúc, giữ được "tình làng, nghĩa xóm" và sự bình yên trong mỗi mái ấm gia đình.
Khang Ngân