Năm 2014, các cấp Hội Nông dân Bình Thuận đã tổ chức kiểm tra, giám sát được 775 cuộc kiểm tra, giám sát, trong đó: Tỉnh Hội thực hiện 87 cuộc, các huyện, thị, thành Hội tổ chức được 213 cuộc và cấp cơ sở là 455 cuộc.
Nội dung tập trung đi sâu vào kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Điều lệ, Nghị quyết, Kế hoạch, các Chương trình hành động, kiểm tra nguyên tắc tổ chức hoạt động, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính Hội, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Hội Nông dân cùng cấp và cấp dưới quản lý, kiểm tra việc thu nộp, quản lý và sử dụng hội phí, quỹ Hội…
Qua kiểm tra, các cấp Hội đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị, các quy định, hướng dẫn của cấp trên, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội như: thực hiện Quyết định giao chỉ tiêu thi đua và những hoạt động lớn của Hội Nông dân Việt Nam năm 2014; Quyết định số 1094-QĐ/TU, ngày 24/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giao nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 đối với Hội Nông dân tỉnh và Nghị quyết Hội nghị BCH Hội Nông dân tỉnh lần thứ 13 (khóa VI) về phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội năm 2014; các Quy định, Hướng dẫn của Trung ương Hội, của Tỉnh ủy về thực hiện “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”…
Qua kiểm tra hoạt động tài chính của Hội về kế hoạch thu, chi Quỹ Hội và Hội phí được thực hiện đúng quy định; kiểm tra việc điều hành, quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân và việc phối hợp thực hiện cho vay vốn đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tại các huyện, thị xã, thành phố được thực hiện nghiêm túc.
Công tác kiểm tra, giám sát các nguồn vốn vay do Hội tín chấp luôn thực hiện thường xuyên, hướng dẫn các cấp Hội ghi chép sổ sách, theo dõi, xử lý kịp thời các trường hợp nợ đọng, nợ quá hạn. Hiện nay, Hội Nông dân các cấp đang quản lý là: Vốn Quỹ Quốc gia về việc làm nguồn Trung ương Hội 1.560 triệu đồng; Vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tổng số đến nay là 17.661,386 triệu đồng; vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 479.636 triệu đồng/ 727 tổ/28.181 hộ vay; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 528.525 triệu đồng/1.032 tổ/ 15.777 hộ vay (số liệu tính đến 31/10/2014). Hầu hết, các nguồn vốn trên được nông dân vay và đầu tư sản xuất có hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 22 của UBND tỉnh về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, các cấp Hội tích cực phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp xã, trong năm 2014 đã tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật 3.402 cuộc với 165.264 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; tham gia hòa giải thành ở cơ sở 1.340/2.299 vụ, chủ yếu tranh chấp đất đai, ly hôn, công tác đền bù, áp giá, giải phóng mặt bằng, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; Hội Nông dân tỉnh tổ chức được 04 lớp/ 208 cán bộ, hội viên, nông dân tham dự nội dung yêu cầu được tư vấn, trợ giúp pháp lý tập trung vào các lĩnh vực pháp luật, đặt biệt là về đất đai, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị xử lý về ô nhiễm môi trường và các lĩnh vực khác liên quan đến quyền lợi của hội viên, nông dân.
Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tiếp tục duy trì và hoạt động có hiệu quả, kịp thời củng cố kiện toàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 28 CLB “Nông dân với pháp luật” trong đó có 11 CLB do Trung ương Hội, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng. Từ khi các CLB “Nông dân với pháp luật” được thành lập và hoạt động thì trình độ nhận thức pháp luật của người dân tại địa phương có sự chuyển biến rõ rệt, các vụ hòa giải đạt kết quả cao, hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, việc khiếu nại, tố cáo giảm, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương được ổn định.
Thu Hà