Điểm mới trong quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam
Ngày 30/9/2013, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Quy định số 943-QĐ/HNDTW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam thay thế cho quy định được ban hành tại Quyết định số 315-QĐ/HND ngày 07/5/2009.
Căn cứ các Điều 17, 18 và 20 Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam về công tác kiểm tra và kỷ luật (đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI thông qua), để triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của các cấp Hội Nông dân hiệu quả, phù hợp với quy định sửa đổi, bổ sung của Điều lệ Hội góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong thời gian tới, Ban Thường vụ TW Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quy định số 943-QĐ/HNDTW (Quy định 943) ngày 30 tháng 9 năm 2013 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 315-QĐ/HND ngày 07/5/2009.
Việc ban hành Quy định 943 dựa trên cơ sở quy định của Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam và một số vấn đề đã được tổng kết qua thực tế về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong hệ thống Hội những năm qua, Quy định 943 đã kế thừa, bổ sung đồng thời có những điểm mới so với quy định trước đây được ban hành tại Quyết định 315-QĐ/HND, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về bố cục và hình thức của văn bản: tên gọi của văn bản bổ sung nội dung giám sát trong tên của văn bản, trong nội dung của chương I điều này nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và nhiệm vụ của công tác giám sát gắn liền với công tác kiểm tra của các cấp Hội.
Quy định 943 gồm 2 chương với 12 Điều (nhiều hơn Quy định 315 một điều, bổ sung quy định về Điều khoản thực hiện) và các Điều đều bổ sung tên gọi để thống nhất về mặt thể thức văn bản, dễ hiểu, nhất quán khi quán triệt, triển khai thực hiện trong hệ thống Hội.
Thứ hai, về nội dung của văn bản đã có nhiều quy định mới so với quy định trước đây về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Hội:
Quy định 943 đã quy định rõ các nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đề ra “Yêu cầu” của công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ thường xuyên, được thực hiện ở tất cả các cấp Hội; nội dung công tác kiểm tra phải bám sát phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác Hội và phong trào nông dân đồng thời khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các cấp Hội phải đảm bảo chính xác, khách quan, kiến nghị xử lý kịp thời và đúng quy định nếu phát hiện sai phạm của tổ chức, cán bộ, hội viên nông dân.
Đối với phần quy định về thi hành kỷ luật, Quy định 943 đã bổ sung quy định về “Nguyên tắc xử lý kỷ luật” trong đó nêu rõ việc xử lý kỷ luật phải công minh, khách quan, chính xác, kịp thời và xử lý dứt điểm từng vụ việc; một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật; việc áp dụng hình thức kỷ luật được thực thực bằng cách bỏ phiếu kín, theo quy định của Điều lệ Hội; thời hiệu đối với Quyết định kỷ luật cũng được quy định rõ, cụ thể đối với hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo nếu tập thể cá nhân bị xử lý kỷ luật, sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định kỷ luật nếu không tiếp tục vi phạm Điều lệ Hội đến mức bị xử lý kỷ luật thì Quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực. Đặc biệt, bổ sung quy định việc chưa xem xét kỷ luật đối với những trường hợp cán bộ, hội viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xác nhận. Đây là những quy định mới, chỉ rõ yêu cầu việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đồng thời đề ra nguyên tắc xử lý kỷ luật đảm bảo việc thực hiện thống nhất ở các cấp, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm, góp phần củng cố tổ chức Hội, giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ và niềm tin của cán bộ, hội viên nông dân.
Bên cạnh đó, Quy định 943 đã cụ thể hóa quy định của Điều lệ về 06 nội dung của công tác kiểm tra, giám sát; quy định về tổ chức bộ máy tham mưu công tác kiểm tra các cấp Hội; nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Kiểm tra các cấp Hội qua đó đẩy mạnh việc kiện toàn bộ máy tổ chức của hệ thống Ban Kiểm tra, căn cứ để Ban Kiểm tra các cấp thực thi nhiệm vụ, quyền hạn đảm bảo mục đích, yêu cầu của công tác này trong toàn hệ thống Hội.
Về công tác thi hành kỷ luật của Hội, các quy định về thẩm quyền thi hành kỷ luật (Điều 10) đã được quy định rõ đối với cán bộ là ủy viên Ban Chấp hành của từng cấp. Đồng thời đã bổ sung quy định trường hợp đối với cán bộ Hội là ủy viên Ban chấp hành nhiều cấp vi phạm kỷ luật ở cấp nào thì việc xem xét, quyết định kỷ luật được tiến hành như đối với ủy viên Ban Chấp hành ở cấp đó và thông báo đến các Ban Chấp hành mà cán bộ đó là ủy viên. Đối với trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật “cách chức” ủy viên ban chấp hành cấp dưới thì đương nhiên không còn là ủy viên Ban chấp hành các cấp trên. Quy định như vậy nhằm đảm bảo việc thi hành kỷ luật được đúng quy trình, chặt chẽ về thẩm quyền tránh quyết định chồng chéo trong việc xử lý kỷ luật, đảm bảo nguyên tắc “một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật”.
Thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức Hội, Quy định 943 đã bổ sung quy định trường hợp Ban Thường vụ Trung ương Hội vi phạm kỷ luật sẽ do Ban Chấp hành Trung ương Hội xem xét, quyết định kỷ luật.
Bổ sung quy định rõ hiệu lực của văn bản (Điều 12), trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện cũng như các vấn đề phát sinh trong thực tiễn các cấp Hội phải báo cáo kịp thời về Ban Thường vụ Trung ương Hội xem xét, cho ý kiến xử lý./.
Phương Linh