Việc tiếp công dân, tham gia hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã giúp Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân và nhân dân, kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu tố phát sinh.
Việc tiếp công dân đã được Hội Nông dân các cấp thực hiện thường xuyên, phân công cán bộ có trình độ, năng lực trực tiếp tiếp hội viên, nông dân giải quyết các khiếu nại, tố cáo vào các ngày trong tuần. Duy trì thường xuyên chế độ báo cáo, thông tin về tình hình tiếp hội viên, nông dân và nhân dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo với Ban Thường vụ Hội Nông dân tại các cuộc họp tháng, quý.
Hàng năm đưa nội dung kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan đơn vị, Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thành thị trong công tác tiếp công dân, tham gia hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo vào chương trình kế hoạch hoạt động. Qua đó, giúp phát huy được những ưu điểm, khắc phục tồn tại, thiếu sót và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ trong việc phân loại, xử lý đơn thư và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cho cán bộ, công chức cơ quan để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của từng lĩnh vực phù hợp với chủ trương chính sách và các quy định của pháp luật.
Bằng những việc làm cụ thể như tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật, hòa giải, thời gian qua các cấp Hội trong toàn tỉnh đã tích cực tham gia cùng với chính quyền, các ngành giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân. Số đơn thư gửi đến được các cấp Hội xem xét phân loại và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Qua công tác tiếp hội viên, nông dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã giải quyết được những bức xúc của người dân đồng thời kiến nghị kiểm điểm, xử lý cán bộ, đảng viên theo quy định.
Công tác hòa giải được các cấp Hội đặc biệt coi trọng, đặt trọng tâm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, đặc biệt hòa giải trước, trong và sau khiếu kiện. Mỗi cơ sở đều có tổ hòa giải, các tổ hòa giải được thành lập theo thôn, xóm, có chi hội nông dân và có sự tham gia phối hợp của các ban ngành, đoàn thể. Đến nay tổ chức Hội có 560 tổ hòa giải với 2.326 hòa giải viên, đã hòa giải thành 2.113 vụ việc trong 2.236 vụ đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội ở nông thôn, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân từ đó giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết cộng đồng nơi dân cư. Trong quá trình hòa giải, tổ hòa giải đã áp dụng nhiều hình thức như thông qua đối thoại, thông qua nội dung sinh hoạt, thông qua người có uy tín, trực tiếp hòa giải với đối tượng là hội viên và tham gia hòa giải với đối tượng không phải là hội viên. Trước trong và sau khi có khiếu kiện của nông dân, tổ hòa giải đã chủ động vận động các bên tự thỏa thuận không để xảy ra khiếu kiện hành chính, trong khiếu kiện đã vận động các bên giữ bình tĩnh, ổn định tình hình, không nôn nóng, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Thu Hà