Quảng Nam: Đẩy mạnh công tác kiểm tra và thực hiện Chỉ thị 26/TTg năm 2011.
Thực hiện chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2011 của BTV Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết của BCH HND tỉnh năm 2011. Ban kiểm tra Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2011 và chỉ đạo, hướng dẫn Ban kiểm tra các cấp Hội xây dựng kế hoạch kiểm tra với các nội dung cụ thể về việc thực hiện các chỉ tiêu thi đua năm 2011. Các cấp HND Quảng Nam đã chủ động, tích cực và thực hiện tốt công tác kiểm tra.
Trong thời gian qua, các cấp HND Quảng Nam đã có 100% huyện, thành phố và cơ sở Hội tiến hành kiểm tra với 1.320 cuộc kiểm tra, trong đó 417 cơ sở và 503 chi, tổ Hội. Qua kiểm tra đã phát hiện được những mô hình hay, kinh nghiệm tốt, đồng thời cũng đã phát hiện được những yếu kém, sai sót trong việc chấp hành điều lệ Hội, việc quản lý các nguồn vốn do Hội quản lý, kịp thời uốn nắn và chỉ ra được sự thiếu sót của các huyện ,thị, thành Hội và cơ sở được kiểm tra. Ngay từ đầu năm Ban Kiểm tra tỉnh Hội đã có kế hoạch chỉ đạo các cấp kiện toàn, củng cố hệ thống Ban Kiểm tra các cấp và đi vào hoạt động có nề nếp, xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát của năm 2011. Các cấp Hội đã kịp thời bổ sung và bố trí cán bộ có khả năng và năng lực để tham gia công tác kiểm tra. Công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra cũng được các cấp Hội quan tâm. Tất cả các huyện, thị Hội mở lớp bồi dưỡng công tác Hội gắn với công tác kiểm tra cho cán bộ cấp cơ sở và chi, tổ hội. Tuy nhiên, việc củng cố kiện toàn Ban kiểm tra cơ sở ở một số nơi chưa được chú trọng, chưa nâng cao chất lượng hoạt động của công tác kiểm tra, nhiều cán bộ còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch và điều hành công tác kiểm tra, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ở một số huyện.
Kết quả năm 2011, công tác kiểm tra được triển khai khá đồng bộ và chu đáo, Ban kiểm tra các cấp Hội đã xây dựng được chương trình, kế hoạch, nội dung cụ thể về kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề và kiểm tra chéo cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị làm tốt thì vẫn còn một số cơ sở vẫn chưa chú trọng công tác kiểm tra mà chỉ làm hình thức, chưa đúng với điều lệ của Hội, đặc biệt là các xã ở vùng sâu, vùng xa... Việc các cấp HND Quảng Nam tham gia thực hiện chỉ thị 26 của Thủ tướng chính phủ cũng đạt được nhiều kết quả khả quan; Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 26 và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân và hướng dẫn số 965 của BTV Trung ương Hội nông dân Việt Nam về triển khai thực hiện Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện công văn 454 của BTV Trung ương Hội Nông dân VN về việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý để Hội nông dân các cấp đẩy mạnh hơn việc tiếp tục thực hiện chức năng chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên nông dân.Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh đã có kế hoạch, hướng dẫn triển khai và chỉ đạo Hội nông dân các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 26, Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết 10 năm thực hiện CT 26. Các huyện, thị, thành Hội và cơ sở Hội đã chủ động tham mưu cho chính quyền chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với Hội nông dân trong việc phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 26 và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc quán triệt Thông báo 130 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong địa phương, hạn chế tình trạng khiếu kiện tràn lan và không đúng pháp luật.
Phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức tuyên truyền các văn bản về pháp luật quốc tế về phòng, chống buôn bán người; Pháp luật Việt Nam về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em…. Cho 191.092 lượt người, đạt 127% chỉ tiêu giao, hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho 5.295 lượt người, đặc biệt được sự hỗ trợ nguồn kinh phí từ Trung tâm tư vấn pháp luật cho nông dân Trung ương Hội, HND tỉnh mở được 2 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền phổ biến và tư vấn pháp luật cho hơn 200 cán bộ, hội viên, nông dân tại xã Tam Ngọc (Tam Kỳ) và Điện ngọc (Điện Bàn). Tiếp tục thực hiện mô hình điểm về vận động nông dân chấp hành pháp luật bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại xã Bình Hải- huyện Thăng Bình, hướng dẫn duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với tuyên truyền tư vấn đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, chuyển giao kiến thức tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân. Các cấp Hội tham gia các cuộc đối thoại trực tiếp, giải thích những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho dân hiểu rõ và có văn bản chỉ đạo xử lý từng vụ việc cụ thể. Nhờ vậy, nhiều vụ việc được giai quyết dứt điểm, tạo sự đồng thuận trong nông dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, phát sinh điểm nóng.
Nhìn chung tình hình khiếu kiện được các ngành phối hợp chặt chẽ, từ đầu năm đến nay, Hội nông dân các cấp tham gia cùng với chính quyền tiếp dân và tiếp nhận và xử lý được 367 đơn thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh theo thẩm quyền. Tổ chức hòa giải tại chỗ được 331 vụ, từ đó hạn chế việc xảy ra các điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Tuy nhiên do tiến độ đô thị hoá ngày đẩy mạnh, việc xây dựng các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, nhất là những nơi giải toả trắng, dân mất đất sản xuất cùng với cơ chế chính sách chưa đồng bộ, nhất quán, hơn nữa tình hình lạm phát, giá cả tăng cao, làm cho một bộ phận hội viên, nông dân gặp khó khăn nhất định.
Việc tham gia thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2011; Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể khác tổ chức học tập, nâng cao nhận thức về Pháp lệnh dân chủ ở xã,phường,thị trấn . Từ đó hội viên, nông dân phát huy đúng đắn quyền làm chủ của mình, tham gia tốt các buổi sinh hoạt học tập quy chế dân chủ, tham gia thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, xóm, bản, làng, đồng thời tích cực thực hiện và vận động mọi người cùng thực hiện. Với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ, mọi việc trong địa phương đều được công khai, dân chủ bàn bạc đã tác động tích cực tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự ở nông thôn. Nhiều nơi, Hội đã tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, coi công khai dân chủ là biện pháp quan trọng để giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nông dân, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nông dân đối với Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tác của kẻ xấu.
Đức Duy