Cán bộ và công tác cán bộ là công việc quan trọng bậc nhất, việc làm thường xuyên trong quy trình lãnh đạo của Đảng, trong đó việc kiểm tra, giám sát cán bộ giữ vai trò cốt lõi.
Mỗi thời kỳ cách mạng có những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Vì vậy, vừa phải xác định cho đúng mục đích cuối cùng, vừa phải xác định được chương trình hành động trong từng giai đoạn cụ thể là việc rất cần thiết. Cần căn cứ vào các nghị quyết đã được thông qua, những mục tiêu đã đề ra, những nhiệm vụ phải làm, những yêu cầu phải đạt được để định rõ các tiêu chuẩn cán bộ cần phải có. Cần căn cứ vào kết quả thực hiện nghị quyết để kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ. Không xác định rõ chuẩn mực sẽ không thống nhất trong việc xem xét, kiểm tra, giám sát và đánh giá cán bộ, sẽ dễ rơi vào chủ quan, cảm tính, thiên vị.
Việc đánh giá cán bộ thực ra cũng là việc con người đánh giá con người. Mà đã là con người thì ai cũng có những tình cảm riêng, các mối quan hệ riêng. Đó là lẽ bình thường, là sự thật hiển nhiên, không thể phủ nhận. Cho nên, cần phải đề ra các chuẩn mực khách quan, cụ thể để khi đánh giá cán bộ phải phục tùng, phải vượt qua tình cảm riêng, quan hệ riêng.
Mục tiêu của cách mạng, yêu cầu của nhiệm vụ và lòng tin của nhân dân là hệ giá trị để xác định mục đích của việc kiểm tra, giám sát, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, trong đó lòng tin của nhân dân là giá trị trung tâm, chi phối toàn bộ hệ giá trị.
Để đánh giá đúng cán bộ thì việc cần phải làm trước hết là làm tốt công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát và chọn người đảm trách tốt công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát. Muốn công tác kiểm tra, giám sát đạt kết quả tốt, thì việc kiểm tra, giám sát phải có hệ thống, thường xuyên và người kiểm tra, giám sát phải rất có uy tín, phải công tâm. Thực tiễn cho thấy cả hai điều trên, chúng ta đều đã làm nhưng chưa thường xuyên, chưa làm đồng bộ, mang tính hệ thống và có một số cán bộ đảm trách công tác kiểm tra, giám sát mắc nhiều khuyết điểm, thậm chí có người đã bị lợi ích cá nhân, vì đồng tiền mà tư túng, bao che, biến đen thành trắng. Do đó, để đánh giá đúng cán bộ thì cần có chế độ kiểm tra, giám sát thường xuyên và phải có cán bộ kiểm tra có động cơ đúng đắn, phải có khả năng và dũng khí cách mạng. Không phải ai lúc nào cũng tốt, cũng đúng, cũng cứng rắn, cũng đủ sức để vượt qua mọi cám dỗ. Vì vậy, phải tạo ra một cơ chế nhằm tăng sức mạnh của tập thể tiếp sức cho cán bộ, vừa bảo vệ được cán bộ, vừa nâng đỡ, động viên cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Việc kiểm tra cơ quan và cá nhân làm công tác kiểm tra, giám sát cần phải được quy định thành chế độ công vụ nghiêm ngặt.
Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng còn nhiều yếu kém, cần sớm khắc phục để việc đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không bị đông, nhầm lẫn, thậm chí sai lầm. Cả “thước đo”, “người cầm thước” và cơ chế vận hành của tổ chức đảng cần chấn chỉnh, sửa đổi.
Cần rà soát lại quy trình kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, quy rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, không để có kẽ hở dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban kiểm tra Đảng với Thanh tra Nhà nước và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ. Cần phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tiếng nói phản biện, phản hồi của nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Dựa vào dân là một cách làm hữu hiệu để kiểm tra, giám sát và đánh giá cán bộ. Đó cũng là cách để cán bộ có thông tin, giúp mỗi người hiểu được xã hội đang định giá trị cho mình như thế nào.
Nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ, thanh tra, kiểm tra, đồng thời có chính sách đảm bảo lợi ích vật chất và động viên tinh thần để vừa phát huy tính tích cực cách mạng của họ, vừa đảm bảo cho họ có điều kiện giúp họ giữ được thanh liêm, khách quan, vô tư, toàn tâm toàn ý với công việc. Có quy định để vừa tôn vinh, bảo vệ những người thanh tra, kiểm tra trung chính, vừa có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với việc nhận định, đánh giá không đúng về cán bộ, cả tâng bốc, đánh bóng ưu điểm lẫn bôi đen, sai sự thật. Có quy định cho từng cán bộ làm công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ được giữ ý kiến độc lập của mình và có thể gửi báo cáo bằng văn bản vượt cấp về những vấn đề mình nhận định, nếu những nhận định đó không được cấp trên trực tiếp, hoặc cấp uỷ cùng cấp đồng tình, đồng thời phải chịu trách nhiệm về tất cả nội dung đã báo cáo.
Để làm tốt hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo Nghị quyết Đại hội X và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá X, thiết nghĩ cấp uỷ các cấp cần thực hiện thật tốt những việc cấp bách sau đây:
Một là, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Có nhận thức đúng thì mới xác định được trách nhiệm, mới có quyết tâm chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát. Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu cấp uỷ có nhận thức đúng, có trách nhiệm đối với công tác kiểm tra thì ở nơi đó làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Hai là, cấp uỷ phải xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khoá và hằng năm. Theo đó, chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, không bị động trước tình hình.
Ba là, cấp uỷ phải đích thân tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra theo chương trình, kế hoạch của cấp uỷ đã đề ra, trên cơ sở xác định rõ nội dung, đối tượng, thời gian kiểm tra, kiên quyết không khoán trắng cho Uỷ ban Kiểm tra hay các ban của cấp uỷ cấp mình.
Việc thành công hay hạn chế trên lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, trước mắt những năm tới, một phần căn bản tuỳ thuộc vào sự nỗ lực của toàn Đảng, trực tiếp là Uỷ ban Kiểm tra các cấp cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khoá X Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất định chúng ta tạo ra bước chuyển mới về chất, trực tiếp và thiết thực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng to lớn, nặng nề và phức tạp của công cuộc đổi mới hiện nay.
Khổng Từ Mận
(Trường Chính trị tỉnh Bình Định)