(KNTC)- 9 tháng đầu năm 2024, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra; tham gia giám sát và thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền năm 2024 và các văn bản của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát.
Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố hoàn thành việc kiện toàn Ủy ban Kiểm tra theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Hội về tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm tra Hội ND các cấp nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Ủy ban kiểm tra Hội ND tỉnh, huyện tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân tại địa phương. Hội ND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân tại 06/10 đơn vị gồm Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An, thành phố Cao Bằng; Hội ND các huyện, thành phố và cơ sở tổ chức 259 đợt kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Hội, việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay của Quỹ HTND và các ngân hàng tại 25 cơ sở, 822 chi Hội, 149 dự án vay vốn Quỹ HTND với 758 hộ vay, 539 tổ TK & VV với 7.854 hộ vay vốn. Qua kiểm tra, giám sát Hội kịp thời động viên những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đề ra hướng khắc phục trong thời gian tới.
Hội ND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện giám sát chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2020-2025) gồm: Giám sát việc triển khai, thực hiện nội dung Tiểu dự án 3 (Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 5 về Phát triển giáo dục Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong chương trình mục tiêu quốc gia) tại 03 huyện Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng; việc thực hiện dự án liên kết "Chăn nuôi dê cỏ sinh sản và tiêu thụ dê cỏ thương phẩm", “sản xuất và tiêu thụ ớt an toàn” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, các cấp Hội tham gia tiếp công dân được 84 lượt, phối hợp giải quyết 97 đơn thư khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân, tham gia hòa giải thành 50 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nông dân; duy trì mô hình “Hội ND tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”, xây dựng Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”.
Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, Hội ND từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục phối hợp tổ chức 287 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 17.320 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; tư vấn pháp luật cho 9.877 lượt hội viên; trợ giúp pháp lý cho gần 2.000 lượt người, trong đó tập trung công tác hòa giải cơ sở tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định.
Hội ND từ tỉnh đến cơ sở tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên tham gia xây dựng dự thảo các Luật, các văn bản quy phạm pháp luật như dự thảo Luật đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ...; tham gia các Hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì.
Hội ND tỉnh phối hợp tổ chức thành công Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Hội đồng nhân dân tỉnh với nông dân”, có 370 cử tri tại 10 điểm cầu (cấp tỉnh và 09 huyện), tại hội nghị đã trao đổi 27 ý kiến, kiến nghị của cử tri nông dân tập trung vào 03 nhóm vấn đề: Kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; vấn đề về liên kết, liên doanh hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững và việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Hội ND cấp huyện, cơ sở phối hợp tổ chức 13 cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân về chuỗi giá trị liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp, xoá nhà tạm, nhà dột nát, di rời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, việc xây dựng các công trình nước sạch, tu sửa kênh mương, hỗ trợ làm đường giao thông có 193 hội viên, nông dân tham gia.