(KNTC) Năm 2018, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Để tổ chức triển khai hiệu quả, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để đẩy mạnh công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng đối tượng, vùng miền. Các ngành, các cấp đã tích cực phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật bằng nhiều hình thức thiết thực, đa dạng vì vậy công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả ghi nhận.
Một số mô hình mới được triển khai như: mô hình đội tuyên truyền lưu động phòng chống ma túy bằng hình thức sân khấu hóa, “Ngày hội pháp luật”, lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua sinh hoạt chi bộ... Một số mô hình PBGDPL được duy trì như tiếng kẻng an toàn giao thông, các dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội (Thị xã Thái Hòa); tổ tự quản, tổ liên gia (huyện Nghi Lộc), phiên tòa giả định (huyện Thanh Chương); Các loại hình câu lạc bộ: phụ nữ với pháp luật, nông dân với pháp luật (Thị xã Hoàng Mai); Câu lạc bộ thời sự pháp luật (Thị xã Cửa Lò); tổ chức các lễ mít tinh ra quân phòng chống tội phạm, an toàn giao thông; mô hình “Dân vận khéo về bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh Tổ Quốc trong tình hình mới” (Thành phố Vinh).
Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện, năm 2018, Sở Tư pháp tiếp tục hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở và kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, 21 đơn vị cấp huyện có 5.851 tổ hòa giải với 39.032 hòa giải viên, năm 2018 đã tiếp nhận 5.836 vụ hòa giải, trong đó hòa giải thành là 4.737 vụ (đạt tỷ lệ 81,2%), hòa giải không thành là 1.003 vụ (chiếm tỷ lệ 17,1%), số vụ việc đang hòa giải là 96 vụ; trong đó đã hoà giải thành công nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, tạo niềm tin và uy tín trong nhân dân.
Nhìn chung, công tác hoà giải cơ sở và tuyên truyền quy định về thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở được quan tâm thực hiện đã góp phần củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, gắn công tác hòa giải với việc xây dựng và thực hiện các phòng trào quần chúng ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở còn tổ chức hướng dẫn công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên toàn tỉnh; kiểm tra công tác xây dựng cấp xã chuẩn tiếp cận pháp luật tại 02 huyện: Diễn Châu, Con Cuông; lựa chọn xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương là xã đặc biệt khó khăn để tập huấn, hỗ trợ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, Câu lạc bộ pháp luật và các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở duy trì khai thác 480 tủ sách pháp luật cấp xã. Năm 2018, trung bình mỗi Tủ sách pháp luật cấp xã bổ sung 20 đầu sách, mỗi Tủ sách pháp luật của cơ quan, đơn vị bổ sung 10 đầu sách.Trung bình số lượt người đọc, mượn tại Tủ sách pháp luật cấp xã là 5-10 lượt, tại Tủ sách pháp luật của cơ quan, đơn vị là 2-5 lượt.
Câu lạc bộ pháp luật được duy trì với nhiều loại hình. Trong đó có câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, câu lạc bộ thanh niên với pháp luật, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, câu lạc bộ nông dân với pháp luật, câu lạc bộ thanh niên tuần tra, thanh niên giữ yên biên giới, câu lạc bộ pháp luật trong trường học, câu lạc bộ bạn giúp bạn, câu lạc bộ thời sự pháp luật... đã được đa dạng hóa hình thức sinh hoạt như: Sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, sáng tác tác phẩm văn hoá, văn nghệ có nội dung pháp luật; tổ chức các buổi giao lưu pháp luật với các loại hình câu lạc bộ khác trên địa bàn; lồng ghép sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật với tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng liên quan và gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống dân tộc tại địa phương.
Tuy nhiên công tác PBGDPL vẫn còn khó khăn, hạn chế như: Chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL thường xuyên nên số lượng các cuộc thi trực tuyến, các cuộc tuyên truyền trên mạng xã hội chưa được thực hiện nhiều. Các văn bản về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xây dựng hương ước, quy ước mới được ban hành nên kết quả triển khai thực hiện còn hạn chế. Hoạt động của Tủ sách pháp luật vẫn theo phương thức cũ, chưa phát huy hiệu quả và thu hút sư quan tâm của người dân do các văn bản quy định về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật đã ban hành một số không còn phù hợp với thực tiễn.
Kinh phí phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở đặc biệt đối với hoạt động của các tổ hòa giải chưa đảm bảo theo yêu cầu. Một số lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm nhiều đến công tác PBGDPL; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đến được nhiều với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa; Nội dung tuyền truyền từng lúc từng nơi chưa kịp thời sâu rộng, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú; Đội ngũ báo cáo viên pháp luật đa số còn hoạt động kiêm nhiệm, chưa được thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng tuyền truyền; Kinh phí cho hoạt động PBGDPL ở cấp huyện, cấp xã còn hạn chế...
Trong thời gian tới để thực hiện công tác PBGDPL tốt hơn nữa, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đổi mới nội dung, hình thức theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, hướng mạnh về cơ sở. Đồng thời, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL, đội ngũ tham gia công tác PBGDPL, tăng cường trách nhiệm của từng thành viên hội đồng trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL ở cơ quan, đơn vị và mỗi địa phương./.