Thái Bình: Vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại địa bàn trọng điểm
(KNTC) Thực hiện Quyết định số 1133 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các Đề án tại Quyết định số 409/QĐ-TTg, Sở Tư pháp đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1754 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Đề án theo Quyết định số 1133/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp được giao chủ trì Đề án "Tăng cường công tác PBDGPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật”.
Nhằm quy tụ, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị -xã hội trong công tác PBGDPL, đặc biệt là tại địa bàn trọng điểm, Sở Tư pháp kí kết các Chương trình, Kế hoạch nhằm triển khai công tác PBGDPL với MTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh như Chương trình phối hợp số 03/CTPH-STP-BTTUBMTTQVN tỉnh ngày 06/8/2009 tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Chương trình phối hợp số 01/CTPH-STP-HLHPN ngày 05/7/2013 về việc đẩy mạnh công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2013-2017; Chương trình phối hợp số 01/CTPH-STP-HLHPN ngày 13/4/2018 thực hiện công tác PBGDPL, TGPL, TVPL cho phụ nữ; hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022 và các Kế hoạch liên ngành. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 35 /KH -UBND tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010-2015” đến năm 2020.
Thực hiện các chương trình, kế hoạch đã ban hành, Sở Tư pháp phối hợp với MTTQ, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên các cấp thực hiện nhiệm vụ khảo sát, chỉ đạo điểm hoạt động PBGDPL tại địa bàn trọng điểm. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án tại các địa bàn trọng điểm, tập trung tuyên truyền cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên; học sinh, sinh viên; các đối tượng nghiện ma túy, có tiền án, tiền sự hoặc có nguy cơ phạm tội cao, các đối tượng nằm trong diện quản lý nghiệp vụ của lực lượng Công an...
Từ năm 2013-2018 đã phối hợp tổ chức 4.416 hội nghị cho 739.028 đại biểu, trong đó có các địa bàn trọng điểm. Tập trung phổ biến Hiến pháp năm 2013, Luật hòa giải ở cơ sở, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự 2015, Luật trợ giúp pháp lý, Luật bình đẳng giới; Luật bảo vệ môi trường, pháp luật về phòng chống ma túy, tội phạm; pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, giao thông; cung cấp kiến thức pháp luật cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên trong tỉnh. Cấp phát Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật người cao tuổi, Luật đất đai sửa đổi năm 2013, Luật tiếp công dân, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật,… cho tủ sách pháp luật các xã, phường, thị trấn.
Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng các nhóm nòng cốt, tự quản tại địa bàn trọng điểm để tham gia PBGDPL; Sở Tư pháp, MTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn (trong đó có các xã trọng điểm) tổ chức 4.441 lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nói chuyện chuyên đề cho 433.377 đại biểu là cán bộ, hội viên MTTQ và các tổ chức đoàn thể, hòa giải viên các địa phương. UBMTTQ xã, Ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố trực tiếp thực hiện lồng ghép hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền pháp luật với các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng khu dân cư trong sạch, lành mạnh, hạn chế các tệ nạn xã hội. Tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải, thực hiện công tác phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội ngay từ địa bàn khu dân cư.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội phụ nữ, Hội Nông dân, MTTQ xã thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động tại 06 địa bàn trọng điểm gồm xã Tân Bình (thành phố Thái Bình); thị trấn Hưng Nhân, xã Tân Hòa (huyện Hưng Hà), xã Tân Hòa (huyện Vũ Thư), xã An Bài (huyện Quỳnh Phụ), xã Vũ Ninh (huyện Vũ Tây). Tại các hội nghị tư vấn miễn phí 45 vụ việc người dân hỏi về đất đai, dân sự, chính sách đối với người có công… Các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp và các ban, ngành đoàn thể tiếp nhận, giải quyết và phối hợp giải quyết 592 đơn, thư có nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trên các lĩnh vực dân sự, hình sự, đất đai, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, chế độ chính sách đối với người có công... kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái.
Sau gần 05 năm thực hiện Đề án "Tăng cường công tác PBDGPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật”; công tác PBGDPL, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Vai trò liên kết, phối hợp giữa Sở Tư pháp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được nâng tầm. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, từng bước hạn chế vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, các địa bàn trọng điểm nói riêng.