Bắc Giang: Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên,
tuyên truyền viên pháp luật
(KNTC)- Nhằm đánh giá khách quan, toàn diện và tìm ra các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn, vừa qua, Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh”.
Dự Hội thảo gồm 100 đại biểu: Đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành và các tổ chức đoàn thể cùng các Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; Báo cáo viên pháp luật cấp huyện; Tuyên truyền viên cấp xã và đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố. Đồng chí Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội thảo.
Toàn tỉnh hiện có 98 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 229 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2418 Tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Trong những năm qua, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ này luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cấp ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, cơ sở vật chất cho các Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hàng năm, đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL. Đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác PBGDPL, đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần đáng kể cho công tác đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, hoạt động của Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật còn một số hạn chế, qua ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo cho thấy: Một số Báo cáo viên, Tuyên truyền viên còn chưa thực sự phát huy tính chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức tuyên truyền, PBGDPL, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; Chất lượng của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên không cao, hiện mới chỉ đáp ứng được về mặt số lượng, chưa thực sự đạt về mặt chất lượng, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; Kỹ năng tuyên truyền miệng của một số Báo cáo viên, Tuyên truyền viên còn hạn chế; Việc cập nhập văn bản pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền còn một số tồn tại nhất định…
Theo các đại biểu, những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân như: Lãnh đạo một số cơ quan, chính quyền địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng Báo cáo viên, Tuyên truyền viên; Đội ngũ báo cáo viên pháp luật trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, không dành thời gian thực hiện nhiệm vụ; Một số Báo cáo viên, Tuyên truyền viên không có kỹ năng; năng khiếu tuyên truyền; Cơ chế chính sách đãi ngộ chưa phù hợp; Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền, PBGDPL chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức; Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của đội ngũ này chưa được thường xuyên; Chưa có cơ chế bảo vệ đội ngũ Báo cáo viên trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền; Một số quy định pháp luật còn thay đổi thường xuyên, chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, tuyên truyền…
Từ những thực trạng, tồn tại và hạn chế trên, các đại biểu tham dự đã đưa ra những ý kiến đóng góp, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của mình nhằm đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật các cấp; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn lại đội ngũ Báo cáo viên đủ tiêu chuẩn quy định; Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên các cấp; Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ này; Quan tâm, đầu tư đúng mức về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị như máy tính, máy chiếu, máy ghi âm... cung cấp đủ, đề cương, tài liệu pháp luật cho Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; Tạo điều kiện để Báo cáo viên pháp luật ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, tiếp cận kịp thời các quy định mới của pháp luật để chuyển tải kịp thời đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động và kịp thời khen thưởng Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có thành tích trong công tác tuyên truyền pháp luật; Xây dựng cơ chế bảo vệ cho hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên; Tổ chức các hội thi Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật giỏi; Đổi mới nội dung và phương pháp trong hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật trong đó quan tâm hơn đến đối tượng nghe, lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến phù hợp, chú ý ngôn ngữ hình thể, xây dựng phong thái tự tin...
Kết luận Hội thảo, các nội dung được nhấn mạnh 05 nhóm giải pháp các đại biểu đưa ra tại Hội thảo, đồng thời đánh giá cao các đề xuất, giải pháp trên. Sở Tư pháp sẽ tổng hợp, nghiên cứu nhằm nâng cao công tác quản lý, hiệu quả hoạt động của đội ngũ này trên địa bàn trong thời gian tới.