Đồng Tháp: Trợ giúp pháp lý cho 22 lượt hội viên, nông dân
15:35 - 30/11/2017
(KNTC) Vừa qua, Đồng Tháp đã tổ chức hội nghị triển khai Luật Trợ giúp pháp lý và tổng kết công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2017. Ông Nguyễn Trung Dũng – Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp liên ngành TGPL Tỉnh - Chủ trì Hội nghị.
Ảnh minh họa
Đến dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành Tỉnh: UBMTTQVN Tỉnh; Công An, Tòa án, Viện Kiểm sát; Đoàn Luật sư, Hội Luật gia Tỉnh; các đồng chí là Thành viên Hội đồng Phối hợp liên ngành TGPL Tỉnh; Trung tâm TGPL; đại diện Lãnh đạo Phòng Tư pháp, Công An, Viện Kiểm sát, Tòa án các huyện, thị xã, thành phố; các Tổ chức tham gia TGPL gồm: Trung tâm Tư vấn Pháp luật và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn Tỉnh.
Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Đây là một trong những đạo luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Luật TGPL năm 2017, sẽ giúp cho hoạt động TGPL ngày càng chuyên nghiệp và có bước phát triển mới.
Quy định của Luật đã khẳng định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý và có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội; mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất của trợ giúp pháp lý và điều kiện đặc thù của đất nước; quy định nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn tham gia việc thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGPL; tập trung thực hiện vụ việc TGPL theo đúng bản chất của hoạt động TGPL. Cùng với đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL; rà soát người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL và người thuộc diện TGPL trên từng địa bàn …
Luật đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý; lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân biết và thực hiện quyền của mình.
Trong năm 2017 đã trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng 222 vụ, trong đó đối tượng thuộc diện nghèo chiếm số lượng khá cao 100 người; 84 vụ thuộc lĩnh vực dân sự; 132 vụ hình sự; 6 vụ hành chính. Chất lượng tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý đáp ứng yêu cầu của người được TGPL, nhiều vụ việc bảo vệ mang lại hiệu quả, không chỉ giúp đỡ cho người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền lợi hợp pháp mà còn có ý nghĩa đối với yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao uy tín của hoạt động trợ giúp pháp lý.
Minh Duyên