|
Ảnh minh họa. |
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân nói chung và nông dân nói riêng như: Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí Thư TW Đảng, về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức thực hiện Quyết định 409 và Quyết định 1133 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức Hội sinh hoạt “Ngày Pháp luật” ;việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Hội Nông dân tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cán bộ, hội viên, nông dân và chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố triển khai trong các cơ sở Hội.
Nâng cao nhận thức pháp luật cho nông dân, Hội Nông dân đã phối hợp với các ban ngành chuyên môn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý được 409.430 lượt người về các nội dung như: Luật khiếu nại, tố cáo và công tác hoà giải ở cơ sở; Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình; công tác giải quyết khiếu nại có liên quan đến nông dân; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Nghị định 41/NĐ-CP, ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở ; phòng chống cháy rừng; phòng chống đánh bắt khai thác thủy sản trái phép; ngư dân đánh bắt hải sản không vi phạm vùng biển nước ngoài và 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, các cấp Hội đã xây dựng được trên 100 mô hình Dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nhiều mô hình Dân vận khéo do Hội Nông dân các cấp trực tiếp hướng dẫn thực hiện góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Kết hợp với việc xây dựng mô hình, các cấp Hội đã tổ chức trên 315 cuộc tuyên truyền cho gần 3.650 lượt người về Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”; Tổ chức tuyên truyền 262 cuộc cho hơn 8.900 lượt hội viên nông dân về chấp hành các quy định an toàn giao thông, trong đó có 6.221 hội viên nông dân đăng ký cam kết thực hiện không vi phạm các quy định về an toàn giao thông.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh tổ bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ công tác Hội cho 6.258 cán bộ hội viên, nông dân. Tổ chức 24 lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, 09 lớp tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho hơn 1.600 cán bộ, hội viên, nông dân.
Với mục tiêu làm thí điểm để nhân rộng các năm tiếp theo, năm 2015, Hội Nông dân được giao xây dựng 02 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật về “Tuyên truyền vận động hội viên, ngư dân không đánh bắt thủy sản xâm phạm lãnh hải nước ngoài” tại khóm 8, Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân. Đây là mô hình được đánh giá cao về việc nâng cao ý thức về chủ quyền toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam và chấp hành pháp luật quốc tế của bà con ngư dân.
Ban Thường vụ tỉnh Hội chỉ đạo tiếp tục Cuộc vận động “Hội viên nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông” cho 9 huyện, thành Hội và cơ sở. vận động cán bộ hội viên, nông dân làm nòng cốt, gương mẫu tuyên truyền và thực hiện phong trào “Hãy nói không với tai nạn giao thông”. Xác định công tác lập lại trật tự an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội. Có 9/9 huyện, thành Hội phối hợp triển khai đến 100% cơ sở Hội.
Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phối hợp các ngành tham gia giải quyết khiếu kiện trong nông dân theo tinh thần Chỉ thị 26/2001/CT-TTg, ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân (nay là Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2014). Kết quả, các cấp Hội tham gia hòa giải 1.203 vụ trong đó hòa giải thành 1.021 vụ tranh chấp, mâu thuẫn của nông dân qua đó góp phần hạn chế các vụ việc phát sinh thành khiếu kiện.
Từ những hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả kết hợp với xây dựng các mô hình thiết thực góp phần củng cố niềm tin của nông dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, của chính quyền, tích cực tham gia vào các phong trào của Hội, của địa phương góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hòa chung xu thế hội nhập của đất nước.