Hòa giải ở cơ sở: Rất cần sự nhiệt tình
10:22 - 18/09/2014
Nhận thức rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải ở cơ sở nên Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này, luôn coi việc khuyến khích, tăng cường công tác hòa giải là một chủ trương nhất quán trong quản lý xã hội. Cụ thể hóa chủ trương này, Quốc hội đã ban hành Luật hòa giải ở cơ sở và Luật có hiệu lực từ 01/01/2014, vấn đề triển khai hiệu quả Luật này trong thực tiễn đã trở thành mối quan tâm không chỉ của những người làm công tác hòa giải ở cơ sở.
Tăng tỷ lệ hòa giải thành để giữ gìn "tình làng, nghĩa xóm"; Đó là mục tiêu quan trọng mà Luật hòa giải ở cơ sở hướng tới bởi từ lâu, hòa giải ở cơ sở được đánh giá là biện pháp "góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, xây dựng con người Việt Nam sống có ý thức cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, tôn trọng pháp luật, quan hệ hài hòa trong gia đình và xã hội". Kết quả khảo sát để đánh giá tác động khi xây dựng Luật hòa giải ở cơ sở cho thấy, công tác hòa giải chủ yếu là để giải quyết tranh chấp nhỏ giữa hàng xóm (36,3%), tranh chấp thừa kế (21,8%) và vụ việc liên quan đến cưỡng đoạt thân thể (21,8%).
Chỉ có 20,7% số người chưa được hòa giải trong lĩnh vực liên quan đến đất đai, xây dựng nói rằng họ có nhu cầu giải quyết tranh chấp thông qua Hòa giải viên. Chỉ có 7,4% số người lựa chọn phương thức hòa giải đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình và con số này là 11,9% đối với các vụ việc tranh chấp liên quan đến bạo lực gia đình. Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất của Luật hòa giải ở cơ sở là nhằm tăng tỷ lệ hòa giải thành, qua đó giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở thông qua việc phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hòa giải thành cao sẽ góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng khiếu nại đến Tòa án nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan nhà nước và công dân. Với tính chất là một cơ chế giải quyết tranh chấp tự nguyện và tự quản của người dân, hoạt động hòa giải ở cơ sở theo Luật hòa giải ở cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu đề cao yếu tố được coi trọng hàng đầu trong đời sống hàng ngày của các quan hệ cộng đồng là sự “hài hòa”, “đoàn kết” và “ổn định”của các quan hệ đó, chứ không phải là “giá trị vật chất”, hay sự “thắng thua”, “đúng, sai” về mặt lý lẽ. “Hỗ trợ và động viên” để duy trì sự nhiệt tình; Để phát huy hiệu quả của đạo luật quan trọng này trong đời sống, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở với những giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các chủ thể liên quan.
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong số các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động này, kinh phí, nhất là thù lao cho Hòa giải viên, là một yếu tố không thể "coi nhẹ" bởi nhiều Hoà giải viên đã thừa nhận, “thiếu kinh phí” là một yếu tố gây trở ngại cho hoạt động hòa giải". Theo một số công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã, vì hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cộng với việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT- BTC-BTP ở nhiều địa phương còn chậm, lúng túng hoặc không thực hiện được nên kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở vẫn hạn chế. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ từ chính quyền cho hoạt động hòa giải ở cơ sở chủ yếu được sử dụng chung cho sinh hoạt của Tổ hòa giải chứ không hoàn toàn để "trả thù lao cho Hòa giải viên", sau đó mới chi cho các hoạt động đào tạo, tập huấn, đầu tư cơ sơ vật chất, tài liệu kiến thức, các cuộc thi cho hoà giải viên...
Từ quan điểm "có thực mới vực được đạo", rất nhiều chuyên gia pháp lý và những người làm công tác quản lý hay trực tiếp làm hòa giải ở cơ sở đều nhận định, "cho dù hoạt động của các Hòa giải viên là tự nguyện và cơ bản dựa trên sự nhiệt tình cá nhân của họ, nhưng việc “hỗ trợ và động viên” về vật chất, ở mức độ nhất định, để duy trì sự nhiệt tình đó cũng rất cần được quan tâm". Nên một trong những quyền của hòa giải viên theo Điều 9 Luật hòa giải ở cơ sở là được "hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải". Bộ Tư pháp cho biết, trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, những vướng mắc trong triển khai thực hiện việc lập, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 73, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đang phối hợp nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định về kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở. một phần yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở sẽ được giải quyết và là yếu tố thúc đẩy Luật hòa giải ở cơ sở thực sự được triển khai có hiệu quả trong đời sống.
Duy Thắng