Hội NDVN tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp
Ngày 17/7, tại Hà Nội, Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Lễ ký kết chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020. Cùng tham gia có Uỷ ban Trung ương MTTQVN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Lễ ký kết nhằm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 52 ngày 7-1-2014 của TTCP về thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội (GSPBXH) của MTTQVN và các đoàn thể chính trị -xã hội.
Mục đích của chương trình phối hợp là phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về SX-KD-SD VTNN giả, kém chất lượng, ngoài danh mục lưu hành, không rõ nguồn gốc; đồng thời phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực để tuyên truyền, nhân rộng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về QL-SX-KD-SD VTNN; thông qua hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về SX-KD-SD VTNN để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước…
Đồng thời phát hiện nhân tố mới để tuyên truyền, nhân rộng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Cùng với đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; năng lực giám sát của cán bộ, hội viên, nông dân; từng bước thực hiện quản lý, SXKD, sử dụng VTNN theo đúng quy định của pháp luật.
Các loại vật tư nông nghiệp (VTNN) được giám sát của chương trình phối hợp gồm: quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng (QL-SX-KD-SD) phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cần phải xã hội hóa công tác giám sát để người dân tham gia. Người nông dân khi phát hiện cơ sở vi phạm sẽ thông qua Hội Nông dân để báo cho cơ quan Nhà nước xử lý nghiêm theo chế tài. Đồng thời, Chủ tịch yêu cầu giám sát ở đâu phải có kết quả ở đó và thông tin cho dư luận xã hội, tạo áp lực xã hội với các cơ sở vi phạm; giám sát phải gắn với xây dựng địa bàn không có VTNN chất lượng kém…
"Việc giảm sát, quản lý SXKD và sử dụng VTNN trách nhiệm chính là ở chúng ta. Khi phát hiện rồi thì phải xử lý dứt điểm ngay. Việc giám sát phải thường xuyên, chặt chẽ và xử lý rốt ráo. Cần lựa chọn các mô hình làm điểm để rút kinh nghiệm”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Ông Nhân cũng đề nghị các bên thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về diễn biến thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, không rõ nguồn gốc. Các bên phải phối hợp chặt chẽ với nhau để có kết quả giám sát tốt.
Chủ tịch Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường khẳng định: “Công cuộc giám sát sẽ gặp không ít khó khăn vì sự đối phó của các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này. Do vậy, sự phối hợp giữa 4 cơ quan như một chuỗi, mà một mắt xích không “đều tay” thì kết quả chung sẽ không đạt yêu cầu đề ra”. Chủ tịch đề nghị các bên phải phối hợp chặt chẽ từ khâu tuyên truyền, răn đe cho đến phát hiện, thực hiện các công tác nghiệp vụ và xử lý thật nghiêm minh.
Sau lễ ký kết, các đơn vị liên quan sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình. Các bên phối hợp có trách nhiệm chỉ đạo theo ngành dọc ở các địa phương ký chương trình phối hợp và tổ chức thực hiện. Trước mắt, các bên sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và chọn địa phương làm điểm để rút kinh nghiệm.
Lâm Hùng