Công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra nhằm từng bước nâng cao dân trí pháp luật, nâng cao năng lực áp dụng đúng pháp luật, xác lập kỷ cương, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền lợi của giai cấp nông dân Việt Nam, với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, trong những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các cấp, các ban, ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội khác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, dần hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Để tạo điều kiện cho người dân tiếp thu các văn bản, quy định mới cũng như kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi… câu lạc bộ xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai) còn xây dựng tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách các loại, từ sách hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, như: sổ tay nuôi gà; hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim cút; trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cam-quýt-bưởi-chanh; kỹ thuật nuôi cá chép-cá mè; trồng hoa lan; nuôi trâu bò ở nông hộ và trang trại… đến các sách về: Luật Khiếu nại Tố cáo; Luật Giao thông Đường bộ; Pháp luật về Đất đai; Luật Bảo hiểm…
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến hội viên nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, góp phần giảm khiếu kiện, ổn định an ninh trật tự ở nông thôn. Các cấp Hội ND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức trên 200 buổi tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, hội viên nông dân của 84 cơ sở Hội trong tỉnh về một số nội dung: Luật Khiếu nại - tố cáo, Luật Hôn nhân - gia đình, Luật Đất đai, chính sách liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…
Cùng với công tác tuyên truyền, hoạt động hoà giải ở cơ sở, xây dựng tủ sách pháp luật được các cấp Hội thực hiện có kết quả. HND tỉnh xây dựng được 21 CLB nông dân với pháp luật với hơn 1.000 thành viên (là cán bộ, hội viên có uy tín), đây là những hoà giải viên, nòng cốt trong công tác tuyên truyền pháp luật ở cơ sở.
CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần, là nơi nông dân tìm hiểu về chính sách pháp luật, trao đổi tháo gỡ vướng mắc về pháp luật và tư vấn pháp luật cho hội viên nông dân. Các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền tiếp nhận đơn thư khiếu nại của nông dân, chủ động sâu sát địa bàn thôn, xóm, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư của nông dân, giải thích hướng dẫn và giải quyết kịp thời.
Với cách làm này, chỉ tính riêng năm 2013 và những tháng đầu năm nay các cấp Hội đã tiếp nhận hàng trăm đơn của hội viên khiếu nại về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng và một số mâu thuẫn khác; các cấp Hội đã chuyển cho cơ quan chức năng theo thẩm quyền giải quyết và phối hợp tổ chức hoà giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong hội viên, nông dân với nông dân và giữa nông dân với tổ chức cá nhân khác, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân.
Sáu tháng đầu năm 2014, Hội Nông dân tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các cấp hội cơ sở tổ chức được 386 buổi tuyên truyền pháp luật cho 805 chi hội nông dân, với sự tham gia của 27.048 lượt người. Trong đó truyên truyền lồng ghép các nội dung văn bản pháp luật như: Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Pháp lệnh Phòng chống mại dâm…
Đồng thời tổ chức truyên truyền tài liệu chống “âm mưu diễn biến hòa bình” và ngăn chặn thủ đoạn kích động, lôi kéo vượt biên trái phép. Từ 13 CLB Nông dân với pháp luật, đến nay Kon Tum đã xây dựng được hơn 32 CLB. Trong đó, một số CLB đã được trang bị tủ sách với 1.000 đầu sách các loại.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật tới hội viên nông dân đã góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về vai trò, vị trí của tổ chức Hội, của giai cấp nông dân, trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; nâng cao ý thức chấp hành đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước của hội viên.
Mạnh Hào