Thanh Hóa: ban hành Chương trình phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật
Ngày 22 tháng 7 năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành chương trình phối hợp liên ngành về “Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, nông dân, người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2016”.
Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, trên cơ sở Quyết định số 3222/QĐ-UBND ngày 02/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành “Chương trình phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, nông dân, người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2016” (Chương trình phối hợp) giữa 5 ngành Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp &PTNT, Ban Dân tộc, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Chương trình phối hợp đề ra ba mục tiêu cơ bản cần đạt được trong giai đoạn 2013-2016: thứ nhất, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số qua đó tạo điều kiện để họ tham gia quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương;
Thứ hai, tăng cường phối hợp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và hòa giải ở cơ sở thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, tổ chức chính trị;
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL (báo cáo viên, tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật và trợ giúp viên pháp lý) có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
Nội dung, hình thức phối hợp chủ yếu được đưa ra trong Chương trình bao gồm: phối hợp trong công tác PBGDPL như Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong triển khai thực hiện Đề án 554 giai đoạn 2; tổ chức “Ngày pháp luật Việt Nam”; Xây dựng chuyên trang, chuyên mục PBGDPL trên các trang điện tử của các ngành, các tổ chức phối hợp cho các đối tượng nông dân, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố và phát triển mạng lưới hoạt động câu lạc bộ pháp luật của nông dân, phụ nữ gắn với việc khai thác tủ sách pháp luật và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật.
Phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật trong đó có các hoạt động truyền thông, phổ biến văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận thông tin các vụ việc trợ giúp pháp lý; thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; tổ chức các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; khuyến khích, thu hút nông dân, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ tư pháp có đủ tiêu chuẩn tham gia cộng tác viên trợ giúp pháp lý, phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý tại cơ sở.
Phối hợp về công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật, vận động, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho những người có uy tín tham gia vào hoạt động hòa giải đồng thời kiện toàn tổ hòa giải, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên.
Việc tổ chức triển khai thực hiện được phân công cụ thể giữa các đơn vị phối hợp, trong đó Hội Nông dân tỉnh có trách nhiệm chủ động xây dựng Kế hoạch, nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm cho cán bộ, hội viên, nông dân; tiếp tục triển khai thực hiện Tiểu Đề án 3 “Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn” từ nay đến 2016; Tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, hội viên, nông dân thông qua trang thông tin điện tử của Hội, bản tin nông dân Thanh Hóa, qua các loại hình câu lạc bộ nông dân với pháp luật và qua các hội thi tìm hiểu pháp luật; chỉ đạo các cấp Hội tích cực phối hợp với các ngành tư pháp, nông nghiệp, Hội Phụ nữ, Ban Dân tộc triển khai hiệu quả các hoạt động PBGDPL và hòa giải ở cơ sở.
Như vậy, từ việc ban hành Chương trình phối hợp của Ủy ban nhân dân tỉnh đã thể hiện vai trò quan trọng của công tác PBGDPL, công tác hòa giải ở cơ sở, đòi hỏi sự chung tay các cấp, các ngành và nhất là cần có quy chế phối hợp đảm bảo việc tổ chức triển khai đạt kết quả, đồng bộ và đặc biết kết hợp thế mạnh của các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trong mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân./.
Hoài Thu