Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014
15:43 - 27/08/2013
Ngày 20 tháng 6 năm 2013, tại kỳ họp kỳ họp thứ 5, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hoà giải ở cơ sở thay thế Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ban hành năm 1998.

Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành nhằm “xã hội hóa” công tác hòa giải, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chủ động, linh hoạt, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn nhỏ, các tranh chấp nhỏ ngay tại cơ sở góp phần hạn chế phát sinh thành khiếu kiện, phòng ngừa vi phạm pháp luật  nhằm giữ gìn truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Bố cục của Luật gồm có 5 Chương 33 Điều quy định về nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Các hoạt động hòa giải của tòa án, trọng tài, hòa giải thương mại, hòa giải lao động và hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Chương I: Những vấn đề chung (từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, phạm vi hòa giải, nguyên tắc tổ chức của hoạt động hòa giải, chính sách của Nhà nước đối với công tác hòa giải và hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Chương II: Hòa giải viên, Tổ hòa giải (từ Điều 7 đến Điều 15) quy định về tiêu chuẩn của Hòa giải viên, quy trình, thẩm quyền bầu, công nhận Hòa giải viên, Quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên và quy định trường hợp thôi là hòa giải viên; quy định cơ cấu, thành phần, số lượng hòa giải viên của tổ hòa giải, thẩm quyền đề xuất, quyết định về cơ cấu, tổ chức, rà soát  hoạt động của các tổ hòa giải, trách nhiệm của tổ hòa giải, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ trưởng tổ hòa giải.

Chương III: Hoạt động hòa giải ở cơ sở (từ Điều 16 đến Điều 27) quy định các căn cứ tiến hành hòa giải, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải, phân công hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải, quy định về thời gian, địa điểm hòa giải, trường hợp hòa giải mà các bên hòa giải ở các thôn, tổ dân phố khác nhau, phương thức tiến hành hòa giải, kết thúc hòa giải trong các trường hợp Hòa giải thành và hòa giải không thành, thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.

Chương IV: Trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở (từ Điều 28 đến Điều 30) quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Chương V: Điều khoản thi hành (từ Điều 31 đến Điều 33) quy định về điều khoản chuyển tiếp, trách nhiệm của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật và quy định Hiệu lực thi hành của Luật Hòa giải ở cơ sở từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

Luật Hòa giải ở cơ sở (Luật) được ban hành có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ban hành năm 1998 (Pháp lệnh), nhiều quy định bổ sung và khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Cụ thể, về phạm vi hòa giải Điều 3 Luật qui định rõ việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật. Quy định không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở theo Luật này là các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm  pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo qui định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo qui định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo qui định của pháp luật như tranh chấp đất đai.

 Luật bổ sung quy định chính sách của Nhà nước về Hòa giải ở cơ sở, khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác; khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và Nhà nước có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hoạt động hòa giải ở cơ sở trong đó đặc biệt chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Đối với đội ngũ Hòa giải viên, Luật được ban hành lần này đã bổ sung nhiều quy định nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ hòa giải viên, khuyến khích hoạt động hòa giải của các hòa giải viên như các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải, hỗ trợ thù lao cho Hòa giải viên đặc biệt là chính sách khen thưởng khi có thành tích trong hoạt động hòa giải và được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải. bên cạnh đó so với Pháp lệnh trước đây, Luật cũng đã bổ sung quy định cụ thể về hình thức tổ chức bầu Hòa giải viên thông qua việc tổ chức cuộc họp đại diện các hộ gia đình hoặc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố.

Đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở, Luật đã bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình hòa giải, phân công Hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải; hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau; trách nhiệm thực hiện hòa giải thành của các bên, qui định rõ hơn qui trình hòa giải, bảo đảm tính mềm dẻo, kịp thời trong hoạt động hòa giải, phát huy vai trò chủ động của hòa giải viên. Hơn nữa Luật đã quy định trách nhiệm của Hòa giải viên trong suốt quá trình thực hiện hòa giải đến theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành. Quy định này nhằm bảo đảm cho việc thực hiện kết quả hòa giải được hiệu quả, khả thi, góp phần giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, tranh chấp.

Riêng đối với quy định về trách nhiệm của các bên trong việc lập “Biên bản hòa giải thành” và thực hiện thỏa thuận Hòa giải thành, Luật vẫn giữ nguyên việc thực hiện mang tính “tự nguyện” của các bên trong hòa giải, phù hợp với tinh thần chung của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trường hợp một hoặc các bên trong hòa giải không thực hiện thỏa thuận hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án hay trọng tài giải quyết các tranh chấp đó.

Luật Hòa giải ở cơ sở chính thức có hiệu lực từ 01/01/2014 nhằm khẳng định chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để Luật được triển khai trong thực tế, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong quần chúng, nhân dân góp phần đảm bảo ổn định an ninh trật tự xã hội.

                                                               Phương Linh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp