Thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định số 217- QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 637-HD/HNDTW ngày 14/7/2014 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ngay từ những ngày đầu, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã xác định thực hiện tốt công tác giám sát là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần được triển khai rộng khắp tới hệ thống Hội và toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở văn bản của Đảng và của Hội cấp trên, Hội nông dân tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác giám sát theo chức năng và nhiệm vụ được giao, lựa chọn các lĩnh vực cơ bản để giám sát như: Giám sát đại biểu dân cử; tham gia giám sát xây dựng nông thôn mới và giám sát việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên, nông dân…
Nhìn lại năm 2014, hoạt động giám sát đại biểu dân cử của Hội Nông dân tỉnh đã tạo được niềm tin trong nhân dân, mục tiêu cơ bản được xác định để tham gia giám sát là việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đã được ghi trong Nghị quyết, thông qua cử tri của cấp ủy, Hội đồng nhân dân đồng thời giám sát mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật của đại biểu dân cử.
Tại các cuộc giám sát, đại diện cho Hội Nông dân các cấp đã nêu lên các ý kiến, nói lên tiếng nói nguyện vọng của người nông dân, những vấn đề quan trọng liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn là dồn điền đồn thửa, đền bù giải phóng mặt bằng…đã được gửi đến đại biểu để kịp thời giải đáp, cung cấp thông tin cũng như kiến nghị với cấp có thẩm quyền, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hội viên, nông dân. Thông qua các hoạt động giám sát các tổ chức Hội Nông dân trong tỉnh đã phát huy được vai trò của mình, phong trào nông dân được tổ chức, triển khai hiệu qủa trên các lĩnh vực đời sống của cán bộ, hội viên, nông dân.
Song song với việc tham gia giám sát đại biểu dân cử, các cấp Hội tích cực tham gia giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới. Với 229 xã nằm trong diện thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ngay từ đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung tổ chức triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị và mọi người dân chung tay vào cuộc, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành 58/229 xã, đạt 25% và đến năm 2020 hoàn thành 137/229 xã, đạt 60% theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã tham gia giám sát 14 cuộc tại các xã thực hiện chương trình XDNTM, sự tham gia của các cấp Hội là nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi bước đầu trong công tác xây dựng nông thôn mới tại Hải Dương.
Trên tinh thần thực hiện vai trò của mình, Hội Nông dân tỉnh đã sâu sát chỉ đạo các cấp Hội tham gia tích cực vào hoạt động giám sát việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân.. Hàng tháng từ tỉnh tới cơ sở đều bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, nhiệt huyết tham gia tiếp dân và phối hợp với các ngành liên quan. Kết quả, năm 2014 đã phối hợp tiếp dân 3340 buổi cho 4557 lượt người; tiếp nhận 131 đơn thư đã giải quyết xong 93 đơn thư KNTC; tham gia hòa giải thành 852 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân trên tổng số 1189 vụ việc. Những nỗ lực trong các hoạt động của Hội đã làm hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, tình làng nghĩa xóm trong nội bộ nhân dân ngày càng bền chặt
Có thể nói, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương. Cấp ủy địa phương luôn quan tâm và coi trọng Hội Nông dân, coi đây là “cầu nối” đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thấm dần vào đời sống của người dân, bên cạnh đó hội viên, nông dân ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội, là nơi có thể sẻ chia, phản ánh kiến nghị và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình ./.
Hà Linh