Bình Thuận: kiện toàn hệ thống làm công tác, kiểm tra giám sát
15:31 - 30/12/2013
Thực hiện Chương trình công tác kiểm tra của Ban Thường vụ Trung ương Hội và Kế hoạch về kiểm tra, giám sát của Hội Nông dân tỉnh, năm 2013 Hội nông dân các cấp tỉnh Bình thuận đã kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra và đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát.

Năm 2013, thực hiện Kế hoạch số 111-KH/HNDT của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận về kiểm tra, giám sát đồng thời quán triệt thực hiện Quy định số 943-QĐ/HNDTW, ngày 30/9/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam. Các cấp Hội tiếp tục kiện toàn tổ chức, sửa đổi bổ sung Quy chế làm việc Ban Kiểm tra, triển khai thực hiện nội dung công tác kiểm tra đảm bảo kế hoạch đề ra.

Ban Kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Trong năm, 10/10 huyện, thị, thành Hội và 127/127 cơ sở Hội kiện toàn tổ chức, điều chỉnh, bổ sung Quy chế làm việc Ban Kiểm tra, đến nay tổng số cán bộ làm công tác kiểm tra là 449 đồng chí. Cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện có một cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra, cấp xã làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Trên cơ sở Kế hoạch về kiểm tra, giám sát của Hội Nông dân tỉnh và tình hình thực tế của từng địa phương, bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành. Hội Nông dân tỉnh tiến hành kiểm tra 10/10 huyện, thị, thành Hội và 205 lượt cơ sở. Hội Nông dân các huyện, thị, thành Hội đã tổ chức 602 cuộc kiểm tra chi, tổ Hội. Nội dung tập trung đi sâu vào công tác tổ chức triển khai hoạt động các phong trào Hội, cách thức tổ chức tập hợp hội viên, sinh hoạt hội viên, hệ thống sổ sách theo dõi, quản lý hội viên, các nguồn vốn, quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội phí, sổ ghi biên bản họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ở cơ sở, chi, tổ Hội.  

Nội dung kiểm tra về quản lý, sử dụng tài chính Hội thực hiện các chương trình, dự án, công trình có sử dụng vốn nhà nước do Hội quản lý, qua kiểm tra cho thấy các cấp Hội đã tổ chức vận động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn, các chương trình dự án đạt dư nợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 448,123 tỷ đồng/744 tổ/28.736 hộ vay (trong đó nợ quá hạn 5,420  tỷ đồng, tỷ lệ 1,21%); Dư nợ tín chấp cho nông dân vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 430,373 tỷ đồng/1.068 tổ/15.955 hộ vay (trong đó nợ xấu 1.909 triệu đồng, tỷ lệ 0,44%).

Quỹ quốc gia về việc làm Hội Nông dân tỉnh đang quản lý nguồn Trung ương Hội 1.560 triệu đồng, đầu tư 07 dự án, 68 hộ vay, giải quyết hơn 161 lao động nông thôn có việc làm.

Trong năm 2013, các cấp Hội vận động xây dựng phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 899,947 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp cho vay theo dự án, 500 triệu; cấp huyện, cơ sở vận động được 245,134 triệu đồng. Nâng lên tổng số đến nay là 15.027.183 triệu đồng. Giải quyết cho 2.166 hộ vay, chủ yếu đầu tư trồng và chăm sóc thanh long, sản xuất lúa giống xác nhận, chăn nuôi. 

Phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, tiếp tục tuyên truyền hội viên, nông dân tham gia thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 21 xã tỉnh chọn làm điểm, nhất là triển khai Nghị quyết số 03 –NQ/TU, của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 và và tổ chức đăng ký giao ước thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” do UBND tỉnh phát động. Chỉ đạo tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng, bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quán triệt, học tập Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cho cán bộ, Đảng viên, Hội viên, nông dân, ngư dân.

Kết quả các cấp Hội đã vận động nông dân đóng góp 16,183 tỷ đồng và 13.743 ngày công với 290 km đường giao thông nông thôn, để sửa chữa, nâng cấp, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương; vận động xây dựng mới 8 căn nhà cho 8 hộ hội viên nông dân nghèo với giá trị 160 triệu đồng. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh đã có những giải pháp triển khai xây dựng 02 xã điểm nông thôn mới  tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam và xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc.

Đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận đặc biệt coi trọng công tác tham gia cùng chính quyền và các ban, ngành chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, công tác hòa giải tranh chấp nhỏ trong nội bộ nông dân. Năm 2013, Hội Nông dân các cấp phối hợp tham gia hòa giải thành ở cơ sở 1578/ 2610 vụ, chủ yếu tranh chấp đất đai, ly hôn, công tác đền bù, áp giá, giải phóng mặt bằng. Xây dựng thành công 2 mô hình Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật tại xã Phan Thanh huyện Bắc Bình và xã Tân Phước thị xã La Gi về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cũng được đẩy mạnh, đã phối hợp tổ chức được 3.094 buổi tuyên truyền pháp luật cho 154.686 lượt người, thực hiện 112 cuộc trợ giúp pháp lý cho 5.567 lượt người.

Như vậy, với việc kiện toàn tổ chức của đội ngũ cán bộ Hội làm công tác kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến cơ sở và đẩy mạnh các nội dung kiểm tra giám sát mang tính toàn diện đã giúp cho công tác Hội và phong trào nông dân chuyển biến tích cực, nội dung, phương thức hoạt động ngày càng được đổi mới. Công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan chặt chẽ và thường xuyên hơn góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội nhất là cấp chi, tổ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội Nông dân trong tình hình mới./.

                                                                                 Phú Sơn

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp