Bắc Giang: 6 tháng đầu năm kiểm tra 144 cơ sở và 1.562 chi, tổ Hội
Thực hiện chương trình công tác kiểm tra năm 2009, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra và hướng dẫn các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra gắn với thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ. Đến hết tháng 2/2009 đã có 10/10 huyện, thành Hội của Bắc Giang đã xây dựng Kế hoạch và chỉ đạo 100% cơ sở Hội xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác định nội dung, thời gian cụ thể cần tập trung kiểm tra đồng thời tiến hành triển khai đồng bộ đến 100% cơ sở và chi hội.
Xác định tầm quan trọng của công tác kiểm tra đối với hoạt động Hội và phong trào nông dân, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ tỉnh Hội đã chỉ đạo các huyện, thành phố, các cơ sở Hội tập trung kiện toàn Ban Kiểm tra các cấp theo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Ở cấp tỉnh Ban Kiểm tra có 2 đồng chí, trong đó có một đồng chí Phó Ban phụ trách và một đồng chí chuyên viên thực hiện công tác kiểm tra. Cấp huyện, thành phố cán bộ làm công tác kiểm tra có 48 đồng chí, trong đó huyện nhiều nhất có 7 đồng chí, huyện ít nhất 3 đồng chí. Cấp cơ sở có 743 đồng chí, tùy theo từng cơ sở mà số lượng có từ 3 đến 5 đồng chí. Để trang bị kiến thức nghiệp vụ công tác kiểm tra cho cán bộ Hội, các huyện, thành Hội đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra gắn với nghiệp vụ công tác Hội cho 289 cán bộ Hội cơ sở và 2.485 cán bộ chi, tổ Hội, các huyện làm tốt công tác này như: Lục Ngạn, Tân Yên, Việt Yên...
Sáu tháng đầu năm toàn tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra được 144 cơ sở và 1.562 chi, tổ Hội. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, công tác kết nạp, quản lý hội viên; kiểm tra hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân và chương trình phối hợp với 2 ngân hàng, các chương trình, dự án liên quan đến Hội và việc thu, nộp, sử dụng Hội phí của hội viên và tổ chức Hội. Qua kiểm tra các cấp Hội đã đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và kịp thời uốn nắn những tồn tại, hạn chế, định hướng những nhiệm vụ tập trung trong 6 tháng cuối năm để xây dựng, củng cố tổ chức Hội hoạt động ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra Hội chủ động phối hợp với chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể thực hiện dân chủ ở cơ sở, vận động cán bộ, hội viên tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt, học tập Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở, xây dựng quy ước, hương ước thôn, bản, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Thông qua việc tuyên truyền, sinh hoạt và học tập đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của hội viên, nông dân về thực hiện quyền làm chủ của mình, từ đó đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước góp phần thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trong địa bàn nông thôn.
Duy Đức