Nghệ An: Kết quả nổi bật trong công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật năm 2017
(KNTC) Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để đẩy mạnh công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng đối tượng, vùng miền.
Các ngành, các cấp đã tích cực phối hợp,phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật bằng nhiều hình thức thiết thực, đa dạng vì vậy công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND tỉnh về phổ biến, giáo dục pháp luật, các Kế hoạch để thực hiện các Chương trình, Đề án của TW và của tỉnh; Sở Tư pháp đã ban hành các công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Sau khi có kế hoạch và hướng dẫn của cấp tỉnh, 21/21 huyện, thành phố, thị xã đã ban hành Kế hoạch và Công văn triển khai thực hiện nhiệm vụ
PBGDPL tại địa phương.
Năm 2017, trên địa bàn tỉnh chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp năm 2013, các luật, pháp lệnh mới ban hành hoặc có hiệu lực bắt đầu từ năm 2016 và 2017 như Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng Dân sự; Luật tố tụng Hành chính; Luật tiếp cận thông tin; Luật đấu giá Tài sản; Luật dược; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư; Luật báo chí; Luật an toàn thông tin mạng và các Luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân và quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc nhiệm vụ chính trị của Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Các hình thức PBGDPL truyền thống (hội nghị, tọa đàm, tập huấn, cấp phát miễn phí tài liệu tuyên truyền) tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, bên cạnh đó các đơn vị, địa phương đã đa dạng hoá các hình thức, mô hình, biện pháp PBGDPL để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh như: Phiên tòa lưu động, túi sách pháp luật lưu động.
Đặc biệt, hình thức tổ chức các cuộc thi thi tìm hiểu pháp luật, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên Cổng thông tin điện tử; tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phổ biến.
"Ngày Pháp luật" hàng tháng luôn được các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, với các hình thức phù hợp như: Tổ chức học tập, quán triệt các văn bản pháp luật tại các hội nghị tập trung; lồng ghép việc phổ biến pháp luật với việc tổ chức họp, sinh hoạt cơ quan... hội nghị, tọa đàm, lễ hưởng ứng.
Trong Ngày pháp luật 9/11 vừa qua, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Thanh niên với ATGT” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Nâng cao chất lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Hiện nay, toàn tỉnh có 93 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, bảo đảm mỗi lĩnh vực pháp luật chuyên sâu có ít nhất 01 báo cáo viên pháp luật; 755 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 6.549 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.
Trong năm 2017, Sở Tư pháp đã tổ chức 02 hội nghị tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Thông tin pháp luật trên Cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng (Báo, Đài); Cổng thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương đều đăng tải các văn bản pháp luật và thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới. Các phương tiện thông tin đại chúng luôn có mặt, đưa tin kịp thời các hoạt động PBGDPL.
Các cấp ngành đã cấp phát 700 cuốn sách hỏi đáp pháp luật cho giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức phát động các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, cuộc thi ”Thanh niên với an toàn giao thông” tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù.
Công tác phối hợp PBGDPL giữa các Sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và giữa các địa phương ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn. Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng và phát hành 09 số Tập san Pháp luật và Đời sống. Triển khai hiệu quả các đề án như: Đề án ”Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020” Đề án “Đẩy mạnh phổ biến quyền dân sự, chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An” năm 2017 với kinh phí 81.000.000 đồng đã được triển khai với các hoạt động cấp phát 26 băng rôn, 6000 tờ gấp, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về quyền dân sự, chính trị ở huyện Thanh Chương, huyện Nam Đàn; Tuyên truyền lưu động pháp luật về quyền tự do, bình đẳng trong hôn nhân và gia đình tại huyện Quỳ Hợp.
Bên cạnh đó, các cấp ngành xây dựng các mô hình chỉ đạo điểm tại: Nam Đàn, Thanh Chương, Cửa Lò, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn. Tại mỗi đơn vị chỉ đạo điểm đều áp dụng đồng thời nhiều hình thức phổ biến pháp luật như cấp phát tài liệu, băng rôn, tập huấn, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật tạo ra tác động to lớn tới nhận thức pháp luật của nhân dân. Câu lạc bộ pháp luật được duy trì với nhiều loại hình, trong đó có câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, câu lạc bộ thanh niên với pháp luật, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, câu lạc bộ nông dân với pháp luật, câu lạc bộ thanh niên tuần tra, thanh niên giữ yên biên giới, câu lạc bộ pháp luật trong trường học, câu lạc bộ bạn giúp bạn, câu lạc bộ thời sự pháp luật... đã được đa dạng hóa hình thức sinh hoạt: sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, sáng tác tác phẩm văn hoá, văn nghệ có nội dung pháp luật; tổ chức các buổi giao lưu pháp luật với các loại hình câu lạc bộ khác trên địa bàn; lồng ghép sinh hoạt CLBPL với tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng liên quan và gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống dân tộc tại địa phương.
Ngoài ra, một số hình thức mới cũng đã được áp dụng có hiệu quả như: mô hình "dòng họ tiêu biểu" ký cam kết không vi phạm pháp luật (Yên Thành); mô hình Dân vận khéo "vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng"; Lễ ra quân phòng chống tội phạm, Lễ hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em (thành phố Vinh, Tân Kỳ); tuyên truyền lưu động về nội dung cưỡng ép kết hôn (Quỳ Hợp)... Đảm bảo cập nhật mọi hoạt động PBGDPL và tài liệu hướng dẫn, tài liệu tuyên truyền văn bản pháp luật mới trên Cổng thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương.
Với nhiều hình thức đa dạng đã góp phần làm cho nhận thức của cán bộ, nhân dân đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa về pháp luật được nâng lên rõ rệt. Cán bộ, nhân dân tôn trọng và chấp hành pháp luật, biết sử dụng pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và bảo vệ lợi ích của xã hội. Từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.