Sáng 28/11, với 486/488 đại biểu tán thành, chỉ 2 đại biểu không biểu quyết, không có đại biểu nào không tán thành, Quốc hội vừa thông qua bản Hiến pháp sửa đổi.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày không có nhiều thay đổi so với lần trình bày trước đó. Dự thảo gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992.
Theo ông Lưu, Quốc hội đã 3 lần cho ý kiến, đồng thời Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã lấy ý kiến nhân dân nên dự thảo lần này đã "phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân".
Hiến pháp sửa đổi quy định, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu, thực tiễn lập hiến ở Việt Nam cho thấy, nhân dân tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến, từ việc tổng kết thi hành Hiến pháp đến việc xây dựng và tham gia ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua. Do đó, về thực chất, Dự thảo Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. Vì vậy, Hiến pháp đã giao Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quyết định việc trưng cầu dân ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là sự kiện có tính chất lịch sử của thời kỳ mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển. Bản Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này là kết quả của quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu Quốc hội, được cử tri trong và ngoài nước, các ngành, các cấp, và cả hệ thống chính trị tham gia.
"Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới và là bản Hiến pháp được chuẩn bị với tinh thần như vậy nên đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân", các đại biểu quốc hội đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên, qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc được tinh hoa trí tuệ của toàn dân vào bản hiến pháp thông qua lần này.
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp đang có hiệu lực được kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII thông qua năm 1992. Trước đó, còn có Hiến pháp năm 1946, 1959 và 1980.
Minh Chung