Quy định về công tác kiểm tra và kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam
17:12 - 31/07/2008

       HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

    BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

 

 

 

                                QUY ĐỊNH

Về công tác kiểm tra và kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam

(Ban hành kèm theo Quyết định số 315-QĐ/HND ngày 7 tháng 5 năm 2009)

 

Chương I
CÔNG TÁC KIỂM TRA

 

Điều 1: Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở, nhằm đảm bảo việc chấp hành nghiêm Điều lệ, các chỉ thị, nghị quyết của Hội; phát hiện những ưu điểm, nhân tố mới để phát huy, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và uốn nắn khắc phục những thiếu sót, vi phạm, kiến nghị, điều chỉnh bổ sung những bất hợp lý trong chỉ đạo, điều hành. Bảo đảm sự thống nhất ý chí, hành động, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao sức chiến đấu đoàn kết nội bộ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về tư tưởng, tổ chức và hành động, góp phần thực hiện công bằng xã hội.

Điều 2: Tổ chức bộ máy công tác kiểm tra

         Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp nào lập ra Ban kiểm tra cấp đó:

1. Ban Thường vụ Trung ương Hội thành lập Ban Kiểm tra, phân công một đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ làm Trưởng ban, số lượng biên chế do Ban Thường vụ Trung ương Hội quyết định.

2. Ban Thường vụ tỉnh, thành Hội thành lập Ban Kiểm tra có từ 3 -5 người do một đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ làm Trưởng ban hoặc một đồng chí Thường trực tỉnh, thành Hội kiêm nhiệm Trưởng Ban.

3. Ban Thường vụ các huyện, thị Hội và tương đương thành lập Ban Kiểm tra có từ 3 – 5 người, do đồng chí Phó Chủ tịch hoặc Uỷ viên Ban Thường vụ làm Trưởng ban; còn lại là cơ cấu các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành huyện, thị Hội kiêm nhiệm

4. Ban Thường vụ cơ sở Hội thành lập Ban Kiểm tra có từ 3-5 đồng chí, do đồng chí Phó chủ tịch hoặc Uỷ viên Ban Thường vụ làm Trưởng ban; còn lại là cơ cấu các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành cơ sở kiêm nhiệm.

Điều 3: Thực hiện công tác kiểm tra

Ban Kiểm tra các cấp Hội tham mưu cho Ban chấp hành, Ban thường vụ cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Hội, tập trung vào một số nội dung sau:

         1. Kiểm tra, giám sát Hội Nông dân cấp dưới, cán bộ, hội viên trong việc chấp hành Điều lệ Hội, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Hội; nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và các hoạt động của Hội.

Kiểm tra cán bộ, hội viên, kể cả Ủy viên Ban chấp hành cùng cấp và tổ chức Hội cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm.

Kiểm tra việc thi hành kỷ luật theo Điều lệ Hội.

2. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính Hội, thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của Hội Nông dân cùng cấp và cấp dưới quản lý.

- Kiểm tra việc thu nộp, quản lý và sử dụng hội phí, quỹ Hội.

          - Kiểm tra việc sử dụng Ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn thu khác cho các hoạt động của Hội theo yêu cầu của Ban Thường vụ cùng cấp hoặc khi có dấu hiệu vi phạm.

3. Tổ chức tiếp và tiếp nhận  đơn thư của cán bộ, hội viên nông dân  khiếu nại tố cáo, phản ảnh, kiến nghị. Phối hợp cùng chính quyền và các cơ quan chức năng tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cán bộ, hội viên, nông dân.

Xem xét, giải quyết và kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

4. Tham gia phối hợp cùng chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân cùng cấp giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở.

5. Theo dõi, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, nghiệp vụ hoà giải, giải quyết khiếu nại tố cáo cho cán bộ làm công tác kiểm tra cùng cấp và cấp dưới. Báo cáo kết quả công tác kiểm tra với Ban thường vụ cùng cấp và Ban kiểm tra cấp trên kịp thời, đúng qui định.

6. Ban kiểm tra phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ban chuyên môn của Hội, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể để thực hiện công tác kiểm tra.

Điều 4: Quyền hạn của Ban Kiểm tra các cấp Hội

1. Được yêu cầu các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng kiểm tra báo cáo, cung cấp tài liệu cần thiết phục vụ cho nội dung kiểm tra và trả lời những vấn đề mà Ban Kiểm tra yêu cầu.
       2. Được kiểm tra, giám sát Hội Nông dân cùng cấp và cấp dưới, cán bộ hội viên trong việc chấp hành Điều lệ, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Hội.

       3. Kiến nghị, đề xuất với ban thường vụ cùng cấp về công tác kiểm tra và xử lý những vấn đề tồn tại. 

Chương II

CÔNG TÁC KỶ LUẬT

 

Điều 5: Xử lý kỷ luật phải công minh, chính xác, kịp thời, dân chủ và dứt điểm từng vụ việc, với mục đích giáo dục, ngăn ngừa vi phạm, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Điều 6: Đối tượng chịu hình thức kỷ luật theo Điều lệ Hội.

- Tổ chức: Các tổ chức trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam.

- Cá nhân: Hội viên và cán bộ Hội Nông dân các cấp.

Điều 7: Những cán bộ, hội viên và tổ chức Hội nào vi phạm vào những điều dưới đây sẽ bị thi hành kỷ luật:

1. Không chấp hành đúng Điều lệ, Chỉ thị, Nghị quyết của Hội gây hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến phong trào nông dân và tổ chức Hội.

2. Vi phạm về đạo đức, tư cách, làm mất niềm tin với cán bộ, hội viên, nông dân, đi ngược lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

3. Vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Điều 8: Hình thức kỷ luật

         1. Đối với cá nhân:

        a. Khiển trách: Đối với những sai phạm không cố ý, mức độ ít nghiêm trọng, qua giáo dục đã nhận ra sai sót và quyết tâm sửa chữa.

        b. Cảnh cáo: Đối với những sai phạm gây hậu quả lớn đến phong trào nông dân và tổ chức Hội.

        c. Cách chức: áp dụng đối với cán bộ Hội giữ chức vụ có sai phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động Hội, không còn tín nhiệm đối với hội viên, nông dân.

        Đối với cán bộ giữ nhiều chức vụ, tuỳ theo trường hợp cụ thể có thể cách chức một chức vụ, một số chức vụ hoặc tất cả các chức vụ.

        d. Xoá tên, thu hồi thẻ hội viên: là hình thức kỷ luật Hội cao nhất đối với hội viên khi mắc phải những sai phạm sau:

       - Vi phạm pháp luật Nhà nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

       - Sai phạm rất nghiêm trọng trong việc thực hiện Điều lệ và các Chỉ thị, Nghị quyết của Hội.

2. Đối với tổ chức Hội:

a. Khiển trách: đối với những sai phạm nhưng chưa gây hậu quả lớn.

         b. Cảnh cáo: đối với sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến tổ chức Hội và phong trào nông dân.

         c. Giải tán:

        - Hoạt động trái với Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết của Hội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

         - Chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Điều 9: Thẩm quyền thi hành kỷ luật

         1. Đối với cá nhân

a. Hội viên: hội viên sinh hoạt ở cơ sở Hội vi phạm kỷ luật phải được kiểm điểm ở chi hoặc tổ Hội.

 - Ban chấp hành chi Hội xem xét, quyết định kỷ luật đối với hình thức khiển trách.

- Ban chấp hành cơ sở Hội quyết định hình thức kỷ luật trên cơ sở đề nghị của Ban chấp hành chi Hội đối với hình thức cảnh cáo và  xoá tên, thu hồi thẻ hội viên.

Việc áp dụng hình thức kỷ luật phải được ít nhất 2/3 số thành viên được triệu tập họp xét kỷ luật tán thành bằng cách bỏ phiếu kín.

b. Cán bộ Hội:

- Đối với ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân các cấp vi phạm kỷ luật: cấp nào ra quyết định công nhận thì cấp đó ra quyết định kỷ luật trên cơ sở đề nghị của Ban chấp hành cấp quản lý trực tiếp.

- Đối với Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội vi phạm kỷ luật do Ban Chấp hành Trung ương Hội xem xét và quyết định hình thức kỷ luật.

- Đối với cán bộ chuyên trách công tác Hội giữ chức vụ nhưng không tham gia Ban chấp hành vi phạm kỷ luật, cấp nào đề bạt cấp đó xem xét và quyết định hình thức kỷ luật.

Việc áp dụng hình thức kỷ luật phải được ít nhất 2/3 số thành viên được triệu tập họp xét kỷ luật tán thành bằng cách bỏ phiếu kín.

Khi thi hành kỷ luật Hội đối với cán bộ, công chức và đảng viên tuỳ theo mức độ vi phạm, cấp ra quyết định kỷ luật kiến nghị cơ quan quản lý cán bộ, công chức, đảng viên đó xem xét quyết định kỷ luật theo thẩm quyền.

2. Đối với tổ chức Hội.

       Ban chấp hành, Ban thường vụ từ cấp huyện trở xuống vi phạm kỷ luật do Ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định kỷ luật với hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo. 

        Đối với hình thức kỷ luật giải tán do Ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp xem xét và đề nghị Ban chấp hành cấp trên một cấp ra quyết định kỷ luật.

       Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội cấp tỉnh vi phạm kỷ luật do Ban Chấp hành Trung ương Hội xem xét, quyết định kỷ luật.

       Các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban chấp hành, Ban thường vụ Hội Nông dân các cấp vi phạm kỷ luật: Cấp nào ra quyết định thành lập thì cấp đó xem xét, ra quyết định kỷ luật.

Việc áp dụng Hộihình thức kỷ luật phải được ít nhất 2/3 số thành viên được triệu tập họp xét kỷ luật tán thành bằng cách bỏ phiếu kín.

Điều 10: Giải quyết khiếu nại về kỷ luật Hội

Tổ chức Hội, cán bộ, hội viên bị kỷ luật không đồng ý với quyết định kỷ luật thì trong vòng một tháng (30 ngày) kể từ ngày nhận quyết định kỷ luật, có quyền khiếu nại về hình thức kỷ luật của mình lên cấp ra quyết định kỷ luật. Trong trường hợp còn khiếu nại tiếp thì tổ chức Hội cấp trên một cấp có trách nhiệm giải quyết. Đây là cấp giải quyết cuối cùng.

Điều 11: Những trường hợp chưa được nêu trong Quy định này, thì phải kịp thời báo cáo với Ban Thường vụ Trung ương Hội xem xét cho ý kiến giải quyết.

Giao cho Ban Kiểm tra Trung ương Hội có trách nhiệm hướng dẫn về thủ tục, quy trình thực hiện công tác kiểm tra và kỷ luật.

 

 

    TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

(đã ký)

Nguyễn Quốc Cường

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp