Đồng Nai: Tích cực triển khai Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ
(KNTC) – Nhận thức được tần quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, ngay từ đầu năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2024.
Trong đó tập trung vào công tác đánh giá thi đua, khen thưởng tại các đơn vị, cơ sở để kịp thời định hướng phong trào thi đua và nhân rộng các điển hình.
Ngoài ra Hội còn phối hợp tổ chức kiểm tra công tác thi đua khen thưởng lồng với kiểm tra công tác Hội 6 tháng và cuối năm 2024, qua đó hướng dẫn các cấp Hội trên địa bàn các thủ tục về thực hiện hồ sơ thi đua khen thưởng cho cán bộ, hội viên nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng.
Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ lớn, định hướng tuyên truyền về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước, địa phương đảm bảo thiết thực, ý nghĩa với hình thức sinh động, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội như tuyên truyền trên các kênh truyền thông của Hội Nông dân các cấp (Trang thông tin điện tử, Nhóm Zalo, facebook, fanpage…), qua các hội nghị giao ban công tác Hội, các buổi tập huấn, sinh hoạt chi tổ Hội, các hội thi, qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội.
Kết quả trong năm 2024, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tổ chức 5.034 cuộc tuyên truyền đến 219.387 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Đồng Nai thực hiện Chương trình Đồng hành cùng nông dân tuyên truyền 07 chuyên đề, phát sóng trên kênh ĐN2 vào lúc 19 giờ 45 phút Chủ nhật hàng tuần.
Ngoài ra, các cấp Hội trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động Hội; tập trung hỗ trợ, hướng dẫn cho 27.599 cán bộ, hội viên, nông dân cài đặt, sử dụng Nền tảng số App Nông dân Việt Nam để cung cấp thông tin, chính sách, các hoạt động, phong trào của Hội kịp thời đến với hội viên, nông dân.
Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực chủ động trong công tác phối hợp, triển khai xây dựng mô hình điểm để làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, vùng sâu, vùng xa chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn chưa đến được với người dân.
Sau khi có Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc các bộ, ngành, UBND các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh và các sở, ngành thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Các nội dung Hội Nông dân tỉnh phối hợp với chính quyền các cấp như: Tham gia xây dựng pháp luật; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; bồi dưỡng nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các cấp Hội tham gia bằng văn bản, tham gia trực tiếp các cuộc tiếp công dân định kỳ của UBND các cấp, trực tiếp tổ chức các hội nghị về tuyên truyền, phổ biến pháp luật; bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra, tiếp công dân, hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, tiếp công dân, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền...
Để triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” và xây dựng 01 Câu Lạc bộ Nông dân với pháp luật.
Hội Nông dân huyện, thành phố đã trực tiếp tham gia sinh hoạt chi hội điểm để cùng lắng nghe, tìm hiểu, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân, kịp thời phản ánh với Đảng, chính quyền các cấp về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đề xuất phối hợp giải quyết, xử lý các đơn thư khiếu nại, các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở huyện và tỉnh. Nhờ vậy, giải quyết mâu thuẫn tranh chấp ngay tại cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Có thể thấy sau 10 năm thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng chính phủ, các cấp hội đã phát huy chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đúng pháp luật; các mâu thuẫn của nông dân được giải quyết ngay tại cơ sở góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Hội viên, nông dân tham gia thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương.