(KNTC) -Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định công tác giám sát, giải quyết các mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác phối hợp, với các ban ngành địa phương cùng tham gia giải quyết các mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nông dân góp phần, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội với nhiều hình thức thiết thực.
Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên kịp thời nắm tình hình, phát hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nông dân.
Việc mâu thuẫn tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản, tranh chấp giữa các cá nhân trong cộng đồng, giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, xóm làng là điều khó tránh khỏi. Nếu mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm đó không được giải quyết thỏa đáng thì từ đơn giản sẽ nhanh chóng phát triển thành mâu thuẫn căng thẳng, phức tạp, thậm chí dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự, là nguyên nhân của những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xảy ra.
Xác định được vấn đề đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã nhanh chóng tuyên truyền, vận động giải quyết tháo gỡ từ những việc nhỏ, ngay từ cơ sở, không để xảy ra các mâu thuẫn bức xúc, dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các khiếu kiện dẫn đến khiếu nại, tố cáo đông người kéo dài và dẫn đến giải quyết bằng bạo lực, phát sinh thành những "điểm nóng" về an ninh, trật tự.
Bằng các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, giúp cho người dân thực sự hiểu biết quyền và nghĩa vụ khi tham gia các mối quan hệ xã hội, các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong đấu tranh tội phạm do nguyên nhân xã hội, về giá trị đạo đức truyền thống trong gia đình, xóm làng, khu phố... tuyên truyền, phân tích cho hội viên, nông dân hiểu về quyền và trách nhiệm của công dân, không để kẻ xấu lợi dụng, trục lợi và chống đối Đảng, nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm, trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức nhằm hạn chế các vấn đề phát sinh mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày không để xảy ra phức tạp.
Các cấp Hội đã tổ chức lồng ghép vào các buổi tuyên truyền pháp luật tại chi, tổ hội được 7.696 buổi tuyên truyền cho 256.420 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tham mưu cho cấp Đảng, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn hoạt động của các “Tổ hòa giải”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự” và các mô hình quần chúng khác có hiệu quả như: “Họ đạo gương mẫu”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Gia đình người văn hóa”… những việc làm cụ thể, thiết thực đã làm thay đổi và nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân đã giúp cho đội ngũ cán bộ hòa giải, giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, triệt để, khôi phục và hàn gắn những mối quan hệ xã hội bị rạn nứt để duy trì tình làng nghĩa xóm.
Từ kết quả trên số vụ việc, mâu thuẫn trong người dân được giải quyết thông qua hòa giải ở cơ sở hàng năm đã góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giảm thiểu đơn thư kiện tụng, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng xã hội bình yên, xóm làng hạnh phúc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền vững, người dân tín nhiệm, cùng chung sức xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần giữ vững tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đến nay, trên toàn tỉnh có 392 Câu lạc bộ “nông dân với pháp luật’’ có 8.127 thành viên, các Câu lạc bộ được trang bị tủ sách pháp luật làm tài liệu sinh hoạt để hội viên nghiên cứu góp phần hoà giải những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở và triển khai các chương trình, đề án 4 giảm của địa phương cũng như phổ biến kiến thức về khoa học, kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế, tổ chức 202 buổi tư vấn trợ giúp pháp lý cho 6.505 lượt hội viên, nông dân.
Hội phối hợp cùng UBND và các ban, ngành cùng cấp tiếp, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân được 1.842 vụ việc.
Trong đó, Hội Nông dân tỉnh tham gia 317 vụ, hòa giải thành công 891 vụ, các vụ việc hòa giải thành công đã giúp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, triệt để, khôi phục và hàn gắn những mối quan hệ xã hội bị rạn nứt để duy trì tình làng nghĩa xóm phần nào phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giảm thiểu đơn thư kiện tụng góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan chính quyền địa phương và Tòa án nhân dân, tiết kiệm chi phí, thời gian của Nhân dân và cơ quan nhà nước góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng xã hội bình yên, xóm làng hạnh phúc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền vững.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp Hội cũng được thực hiện hiệu quả, 100% Ủy ban Kiểm tra Hội Nông dân các cấp đã tham mưu cho Ban Chấp hành ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Hội Nông dân, phân công nhiệm vụ cho các ủy viên Ủy ban Kiểm tra Hội Nông dân, hàng quý, năm điều có tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ban hành các Quyết định, kế hoạch, Chương trình… thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát theo đúng quy định, trong đó các cấp Hội kịp thời phối hợp phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột xã hội liên quan đến công tác Hội.
Qua kiểm tra, giám sát đã giúp đội ngũ cán bộ Hội các cấp nắm bắt sâu hơn tình hình hoạt động Hội và phong trào nông dân ở cơ sở, chi, tổ Hội; kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp, chương trình công tác phù hợp với từng địa phương; biểu dương, nhân rộng cách làm hay, mô hình, điển hình tiên tiến; đề ra các biện pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại.
Đồng thời, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt Điều lệ Hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Hội và đẩy mạnh các phong trào nông dân; thực hiện tốt dân chủ cơ sở, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên.
Có thể nói, để đạt được những kết quả trên là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân trong tỉnh trong công tác hòa giải, giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân, ở cơ sở, coi đây là một trong những yếu tố góp phần thiết thực trong vào ổn định trật tự xã hội, ở địa bàn nông thôn.