|
Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch - vững mạnh (Ảnh minh họa) |
Các cấp Hội tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy Đảng về công tác Hội và phong trào nông dân; kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của nông dân với Đảng, Nhà nước và Hội cấp trên; tham gia đối thoại với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền về những vấn đề liên quan trực tiếp đến hội viên, nông dân; vận động hội viên, nông dân mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.
Đồng thời, các cấp Hội chủ động phối hợp và tham gia giám sát những vấn đề bức xúc của nông dân theo chức năng, nhiệm vụ của Hội ND như: Cán bộ, hội viên, nông dân tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản của UBND các cấp ở địa phương: Xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, đề xuất các chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 61 các cấp đã tập trung tuyên truyền, quán triệt nội dung Kết luận 61 với nhiều biện pháp, hình thức, phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, duy trì chế độ kiểm tra, hướng dẫn và thường xuyên kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo cấp huyện, tỉnh.
Cấp huyện, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo do Thường trực cấp ủy làm Trưởng Ban, cấp xã do Thường trực Đảng ủy làm Tổ trưởng tổ thực hiện Kết luận 61, các cấp có quy chế làm việc cụ thể, có họp định kỳ và sơ, tổng kết hàng năm.
Thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg, Hội ND là cơ quan Thường trực, đã tham mưu thành lập và củng cố Ban Chỉ đạo 81 các cấp từ tỉnh đến xã, có quy chế, kế hoạch hoạt động hàng năm, duy trì thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Hội ND và UBND trong việc tiếp, đối thoại và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; xây dựng nhóm cộng tác viên, tuyên truyền viên ở chi, tổ Hội, thành lập Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; phối hợp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền phổ biến pháp luật, kỹ năng quản lý điều hành Câu lạc bộ, kỹ năng công tác hòa giải; thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý.
Các cấp Hội đã tham gia hòa giải thành 13.981/17.371 vụ tranh chấp, khiếu nại; trực tiếp hòa giải thành 6.081/7.694 cuộc; phối hợp tổ chức 2.052 cuộc trợ giúp pháp lý cho 23.112 lượt người.
Năm năm qua (2013-2018), Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã phối hợp triển khai xây dựng mô hình “Hội ND tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” ở 05 xã điểm: An Nhựt Tân (huyện Tân Trụ), xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức), xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa), xã Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa), xã Long An (huyện Cần Giuộc); tổ chức ra mắt 3 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở 3 xã điểm: Long Cang (huyện Cần Đước); xã Tân Ninh (huyện Tân Thạnh), xã Lợi Bình Nhơn (TP Tân An). Đồng thời, duy trì Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở 03 xã điểm để nhân ra diện rộng.
Các ngành, các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt “Ngày pháp luật”, các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật triển khai hiệu quả, trong đó tiếp tục củng cố duy trì hoạt động hình thức tủ sách pháp luật ở cơ sở.
Toàn tỉnh xây dựng 192 tủ sách pháp luật ở 192 xã, phường, thị trấn (mỗi xã bình quân có trên 200 đầu sách các loại). Tổng số sách pháp luật trong Tủ sách pháp luật tính đến thời điểm này là 70.278 quyển, mua mới 6.271 tài liệu hỏi đáp, 3.978 tờ rơi, 1.506 pano, áp phích.
Các cấp Hội tập trung củng cố kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật ở cơ sở; thành lập 332 nhóm nòng cốt với 2.639 thành viên phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật; duy trì 426 điểm có túi, kệ và tủ sách pháp luật ở xã, chi, tổ Hội; xây dựng củng cố hoạt động 325 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 5.317 thành viên.
Thời gian tới, các cấp Hội tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; tăng cường vai trò giám sát của Hội đối với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là chính sách của TW, tỉnh đang thực hiện liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân; tham gia hoà giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nông dân góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại kéo dài, vượt cấp.