|
Công tác tuyên truyền tới hội viên, nông dân được các cấp Hội chú trọng |
Xác định rõ vai trò này nên từ năm 2014, Hội ND tỉnh Hải Dương đã xây dựng chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN giai đoạn 2014 - 2020.
Ngoài ra, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tổ chức 124 lớp tập huấn cho 12.700 lượt người về quy định của pháp luật trong kinh doanh VTNN, cách nhận biết sản phẩm an toàn, tác hại của chất cấm trong sản xuất nông nghiệp...
Riêng Hội ND tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ năng giám sát cho 580 cán bộ Hội các cấp; đồng thời chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền rộng rãi đến hội viên nông dân số điện thoại đường dây nóng của Trung ương Hội (0437332765) để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân.
Từ năm 2015 đến nay, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 3 đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật đối với 12 hộ kinh doanh VTNN tại các huyện Gia Lộc, Thanh Hà và TP Chí Linh. Năm 2019, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được 21 cuộc giám sát VTNN.
Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa chủ trì tổ chức giám sát thực hiện pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN tại các huyện Cẩm Thủy, Triệu Sơn và Yên Định.
Qua kiểm tra cho thấy, 100% các cơ sở kinh doanh VTNN tại các địa phương đều đăng ký đầy đủ và được quản lý trực tiếp của các cơ quan có thẩm quyền, thực hiện tốt quy định về niêm yết giá, hàng hóa bán đúng nhãn mác, xuất xứ.
Trong năm 2019, huyện Cẩm Thủy đã tiến hành 18 đợt kiểm tra, giám sát việc quản lý SXKD, sử dụng VTNN, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 65 triệu đồng, nhắc nhở, điều chỉnh 15 hộ kinh doanh; huyện Triệu Sơn đã tiến hành 30 đợt kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 18,5 triệu đồng; huyện Yên Định tổ chức 7 đợt kiểm tra 51 cơ sở kinh doanh VTNN, nhắc nhở, chấn chính các hộ kinh doanh tuân thủ các quy định pháp luật về SXKD VTNN.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có gần 500 đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV.
Hằng năm, nông dân trong toàn tỉnh tiêu thụ số lượng và khối lượng lớn vật tư, phân bón, thuốc BVTV... song, kiến thức trong quản lý, bảo quản, sử dụng loại hàng hóa này còn nhiều hạn chế, hầu hết nông dân mua thuốc BVTV, phân bón, vật tư nông nghiệp khác thường dựa vào kinh nghiệm hoặc khuyến cáo của các cơ sở kinh doanh.
Trong 2 năm 2018 và 2019, lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra 534 vụ, xử lý 263 vụ vi phạm, thu phạt gần 700 triệu đồng.
Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, cùng với kiểm tra, giám sát, Hội Nông dân tỉnh cùng các ngành chức năng đã chú trọng công tác tuyên truyền và phổ biến các kiến thức, quy định của pháp luật tới các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước; yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết kinh doanh đúng pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức 146 lớp tập huấn kiến thức về sử dụng thuốc BVTV cho gần 5.500 lượt nông dân trên địa bàn toàn tỉnh, giúp người dân hiểu được những mặt lợi, hại trong sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc trừ cỏ; biết sử dụng thuốc để bảo vệ sản xuất, tăng năng suất cây trồng, không làm ảnh hưởng đến con người và môi trường, chấp hành nghiêm các quy định trong sử dụng thuốc BVTV, nhất là sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng”...
Có thể thấy, công tác giám sát việc sản xuất, kinh doanh VTNN đã được Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan, qua đó kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân và chất lượng sản phẩm nông sản.