|
Hoạt động giám sát giúp các cấp Hội kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp (Ảnh minh họa) |
Để phát huy hiệu quả việc giám sát thực hiện pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, Ban chỉ đạo chương trình phối hợp đã tổ chức cuộc họp chọn nội dung và xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể.
Ban chỉ đạo chương trình phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về vật tư nông nghiệp tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp cho 108 cán bộ Hội ND huyện, cơ sở trong tỉnh với nội dung tập huấn gồm: Các chuyên đề về “Hoạt động giám sát xã hội trong hệ thống Hội NDVN” theo tinh thần Quyết định số 217 của Bộ Chính trị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; hướng dẫn giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp.
Trong đó tập trung vào những quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư nông nghiệp; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Thông qua các hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Bên cạnh đó, cán bộ các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh như Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản tỉnh trình bày nội dung: “Các mối nguy và nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản” nhằm trang bị cho cán bộ Hội ND các cấp những kiến thức về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh trình bày “Một số vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật” nhằm cung cấp những kiến thức về quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phương pháp nhận biết sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Theo đó, chọn mỗi huyện 3-4 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý tại 4 huyện: Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm.
Ngoài Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc được thành lập theo Quyết định, còn có sự tham gia của cán bộ Thanh tra – Pháp chế Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cán bộ Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường Sở Công Thương, các cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Hạ tầng và Kinh tế, Hội ND các huyện trên địa bàn có cơ sở chọn giám sát.
Đoàn giám sát tại 08 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thấy, các cơ sở thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Tất cả các cơ sở đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường; chứng nhận huấn luyện phòng cháy chữa cháy vàtập huấn về văn bản pháp luật mới.
Các cơ sở tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Có cửa hàng; có biển hiệu cơ sở; hàng hóa sắp xếp gọn gàng; có niêm yết giá bán; có sổ ghi chép xuất nhập hàng hóa, có hợp đồng, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có trang bị quạt thông gió hạn chế mùi hôi …
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra đoàn còn phát hiện 01 cửa hàng có người phụ bán chưa đáp ứng trình độ chuyên môn trong buôn bán; cửa hàng bán phân, thuốc bảo vệ thực vật chưa biết cách biệt rõ với hàng tạp hóa; kho chứa phân, thuốc chưa đúng quy định, làm bằng vật liệu dễ cháy (cây, ván); niêm yết giá bán ghi vắn tắt, chưa đầy đủ (thiếu .000đ).
Đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Đoàn giám sát thực tế tại 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Kết quả các cơ sở thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính như: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP); giấy khám sức khỏe; giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP ...
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra vẫn cũng còn một số hạn chế như: Khu sản xuất chưa đảm bảo vệ sinh; chưa trang bị bảo hộ lao động cho người trực tiếp sản xuất; chưa mở sổ ghi chép để truy xuất nguồn gốc nguyên liệu chế biến.
Nhìn chung, các cơ sở về kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính; cập nhật tốt những quy định pháp luật mới.
Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện, các cơ sở còn mặt hạn chế, thiếu sót. Những hạn chế đó cơ sở đều biết nhưng do ý thức của chủ cơ sở chưa tốt, những sai sót nằm trong khả năng khắc phục của cơ sở.
Tới đây, các cơ quan phối hợp ở địa phương cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở cơ sở khắc phục những hạn chế nêu trên; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá xếp loại Thông tư Số 45/2014/TT-BNNPTNT, tránh trường hợp cơ sở thực tế chưa đạt yêu cầu như kết quả đánh giá; ngành Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác tập huấn cho các cơ sở kinh doanh phân, thuốc BVTV, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Các đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn cho người sử dụng; đồng thời triển khai các văn bản pháp luật mới kịp thời để các cơ sở nắm và thực hiện tốt, đúng quy định pháp luật.