Nghệ An: Giám sát phản biện xã hội theo quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị
(KNTC)- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát phản biện xã hội được xem là hoạt động xuyên suốt của các cấp Hội. Ngay từ đầu năm 2018, Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện cho Hội ND các cấp để có kế hoạch chương trình chọn nội dung giám sát phù hợp.
Việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhất là về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng đội ngũ cán bộ được các cấp Hội tích cực tham gia như: Góp ý phản biện một số đề án tăng cường quản lý và xây dựng một số công trình, chiến lược phát triển kinh tế xã hội; Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng các chương trình phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan để triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.
Hội ND tỉnh chú trọng giám sát việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; việc thực hiện một số cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh đầu tư nông nghiệp, nông thôn; việc Hội ND cơ sở tham gia thực hiện vận động nông dân trong việc xây dựng nông thôn mới, việc Hội ND cơ sở tham gia thực hiện đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho hội viên, nông dân...
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với ngành công thương giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, giám sát việc thực hiện chủ trương “người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam”. Các đơn vị tuyên truyền quảng cáo thông qua Sở Công Thương để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng, nâng cao được ý thức về hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng bằng hình thức như lồng ghép tập huấn giáo dục pháp luật, sinh hoạt chi hội, chuyển tải qua báo, loa truyền thanh, các cuộc thi hái hoa dân chủ về an toàn thực phẩm…
Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát phối hợp với UBMTTQ, các ngành của UBND các cấp và các đơn vị có liên quan thành lập đoàn giám sát về quản lý vốn vay ngân hàng CSXH, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, quản lý vật tư nông nghiệp tại các đơn vị, ngành cấp huyện; giám sát việc thực hiện chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội trên địa bàn; giám sát công tác thực hiện chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp; việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm đối với người lao động trong các loại hình kinh doanh trên địa bàn…
Các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động đối thoại với cấp ủy chính quyền các cấp để giải quyết các vấn đề bức xúc, thắc mắc của nông dân trên một số lĩnh vực như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ sản xuất,…
Năm 2018, công tác phản biện của hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung vào việc : Phản biện những dự thảo chủ trương Nghị quyết của Đảng các cấp, Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp; các cơ chế đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới như phản biện dự thảo đề án “điều chỉnh địa giới hành chính và cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển KTXH năm 2018”.
Hội ND các huyện, thành, thị và cơ sở Hội ND tham gia tích cực trong phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc xây dựng các chủ trương, cơ chế thiết thực, phù hợp với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Có thể nói, hoạt động giám sát, phản biện xã hội được các cấp Hội triển khai hiệu quả, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.