Thanh Hóa: Tổ chức gần 1.000 cuộc giám sát và tham gia giám sát,
phản biện xã hội
(KNTC) Nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tổ chức Hội và hội viên, nông dân đối với nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Năm 2018 các cấp Hội đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác giám sát và phản biện xã hội cho 550 lượt cán bộ hội cơ sở.
Nội dung tập huấn tập trung vào đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp tiến hành giám sát và phản biện xã hội của tổ chức Hội Nông dân các cấp theo Hướng dẫn số 637của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN; đối tượng, nội dung, phạm vi góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy định số 668 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN.
Các cấp Hội còn tổ chức 985 cuộc giám sát và tham gia giám sát và phản biện xã hội về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như chính sách về bảo vệ môi trường nông thôn, chính sách về vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách về người có công, chính sách về chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chính sách tín dụng cho phát triển nông nghiệp nông thôn, chính sách bảo hiểm y tế và chính sách BHXH tự nguyện, việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp. v.v..
Các cấp Hội trong tỉnh đã tham gia ý kiến xây dựng Đảng và các cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan với 1.021 kiến (Trong đó tỉnh, huyện 319, xã 702 ý kiến); đóng góp ý kiến vào các văn bản, chính sách pháp luật 1.911 ý kiến (trong đó tỉnh, huyện 395, xã 1.516 ý kiến).
Thực hiện Chương trình phối hợp về giám sát việc thực hiện pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp năm 2018, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh ban hành Kế hoạch số 818 và thành lập Đoàn giám sát liên ngành gồm các đơn vị: HND tỉnh, MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT và Chi cục Quản lý thị trường tổ chức giám sát tại 3 đơn vị là: Nga Sơn; Như Thanh và Ngọc Lặc; 3 đơn vị xã; một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, các cấp Hội thực hiện giám sát đối với cơ quan quản lý về vật tư nông nghiệp, trong quản lý sản xuất kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giống cây con, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các chế phẩm công nghệ cao, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trong cấp ủy, chính quyền, Hội ND, MTTQ và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân thông qua các hội nghị, các buổi họp dân, sinh hoạt của các đoàn thể ở khu dân cư và trên các phương tiện thông tin, nhất là qua hệ thống truyền thanh cơ sở.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện quy chế, quy định được tổ chức đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức Hội các cấp đã chủ động lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nội dung giám sát, phản biện xã hội, gắn trực tiếp với các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương, hướng đến những vấn đề được cán bộ, hội viên và nông dân quan tâm. Kịp thời tham mưu với cấp ủy chính quyền giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong nội bộ nông dân, góp phần đáng kể trong việc giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới.