Phú Thọ: Tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân
10:29 - 08/01/2019
(KNTC) - Thời gian qua, các cấp Hội đã tích cực thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội”.
Các cấp Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân được tham gia đóng góp ý kiến, bàn các công việc trước khi triển khai (Ảnh minh họa)


Trên cơ sở đó, Hội ND tỉnh tổ chức giám sát thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại huyện Lâm Thao và Cẩm Khê.


Đồng thời, tỉnh Hội còn tham gia đoàn công tác của Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông.


Hội ND cấp huyện, cơ sở tổ chức 111 cuộc giám sát, phản biện theo đúng quy trình trên các lĩnh vực: Thực hiện pháp luật về kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; làm đường bê tông nội đồng, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; thực hiện các chính sách ưu đãi đối với đối tượng chính sách, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; sử dụng các khoản quỹ huy động ngoài ngân sách Nhà nước.


Qua giám sát, Hội ND các cấp đã phát hiện và kịp thời kiến nghị các cơ quan liên quan chỉ đạo, khắc phục một số tồn tại, hạn chế; đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tới cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp.


Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đóng góp hàng ngàn lượt ý kiến vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, quyết định của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các dự thảo về cơ chế, chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp ý phê bình đảng viên, tổ chức Đảng; tham gia quy chế dân chủ, hòa giải ở cơ sở; tham mưu cấp ủy tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác Hội và phong trào nông dân; công tác đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu, luân chuyển cán bộ Hội; bồi dưỡng, giới thiệu hội viên ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp được 243 đảng viên, nâng tổng số 30.437 hội viên là đảng viên.


Để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân, các cấp Hội đã phát huy vai trò đại diện, chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân được tham gia đóng góp ý kiến, bàn các công việc trước khi tổ chức thực hiện.


 Những vấn đề bức xúc ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nông dân như: Đền bù, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, bán hàng đa cấp, gian lận thương mại, khai thác khoáng sản trái phép đã được Hội ND vào cuộc, nắm bắt tình hình, phản ảnh với chính quyền, báo cáo cấp ủy, Hội cấp trên xem xét, kịp thời giải quyết.


Thực hiện Quyết  định 81 của Thủ tướng Chính phủ, Hội ND tỉnh đã xây dựng điểm mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy; xã Cao Xá, huyện Lâm Thao; chỉ đạo thành lập mới 3 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, nâng tổng số Câu lạc bộ do Hội ND chỉ đạo lên 18 Câu lạc bộ, với 950 thành viên.


Trong năm, các cấp Hội đã tổ chức được 129 buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật cho 9.350 lượt hội viên, nông dân; tham gia hòa giải thành 371 vụ, 50 đơn thư khiếu nại, kiến nghị của nông dân được kịp thời, đảm bảo đúng luật.


Có thể thấy, công tác giám sát và phản biện xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.
 
 
 

Bùi Lê
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp