Các cấp Hội thực hiện giám sát việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa và giám sát môi trường nông thôn.
Năm 2022, công tác giám sát việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa được nhiều cấp Hội triển khai thực hiện. Các tỉnh thành Hội tổ chức 112 đoàn giám sát, phối hợp liên ngành để giám sát; trong đó, một số tỉnh, thành Hội đã chủ động xây dựng Kế hoạch và tổ chức các cuộc giám sát việc quản lý và sử dụng đất trồng lúa ở địa phương, điển hình như Hội NND các tỉnh: Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng, Đăk Nông, Bến Tre… Còn lại, các tỉnh thành Hội tham gia đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nội dung giám sát tập trung chủ yếu vào công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển khu công nghiệp, khu đô thị; việc sử dụng và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây con khác; thực hiện chính sách tích tụ đất nông nghiệp, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…
Hoạt động giám sát, các đoàn giám sát đã có nhiều phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp nâng cao năng lực quản lý đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật và quy hoạch của địa phương; kiến nghị làm rõ vấn đề một số cá nhân lạm dụng việc sử dụng đất nông nghiệp, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép, tự ý làm nhà trái phép trên đất trồng lúa khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền, trên cơ sở đó Đoàn đã kiến nghị cấp có thẩm quyền có chính sách tạo điều kiện và khuyến khích các hộ dân có nhu cầu phát triển nông nghiệp thuê lại diện tích đất trồng lúa của các hộ bị bỏ hoang hoặc sản xuất kém hiệu quả đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, tích tụ đất đai.
Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa thực sự cao. Trước hết, người dân vẫn còn tư tưởng chạy theo phong trào, ngại tham gia các hình thức tổ chức sản xuất. Nhiều bà con chuyển đổi cây trồng một cách tùy tiện, gây khó khăn trong việc quản lý, giám sát. Một số hộ dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng khác mà không tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Quá trình chuyển đổi cây trồng, nhiều bà con không có sự liên kết sản xuất, không áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Bên cạnh công tác giám sát đất trồng lúa, năm 2022 Trung ương Hội đã thành lập nhiều đoàn công tác đi giám sát về môi trường nông thôn, như tại các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Quảng Trị Bạc Liêu ... Tại những địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát; Công tác bảo vệ môi trường nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt là Hội Nông dân các cấp trong việc thực hiện, cụ thể hóa các chính sách, quy định, pháp luật của Trung ương về bảo vệ môi trường nông thôn. Hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện quy định, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường theo từng năm; Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân, đoàn thể xã hội các cấp ban hành kế hoạch và thực hiện giám sát, kiểm tra xử lý việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với từng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng đi vào thực chất đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp.
Hội ND các tỉnh, thành phố đã thành lập 214 đoàn giám sát thực tế một số địa điểm về môi trường nông thôn. Qua giám sát các tỉnh, thành Hội cho thấy trong những năm các địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường do cấp trên ban hành.
Cùng với việc triển khai đồng loạt các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý chất thải kết hợp với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được duy trì bằng việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo đề án thu gom rác thải của địa phương, của các tổ chức Hội ND, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên Hội CCB và các khu dân cư với các phong trào như: “Ra quân thu gom thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm; Ngày chủ nhật xanh; Ngày môi trường thế giới, thu gom rác thải nhựa”, tổ chức trồng hoa trên các tuyến đường có cán bộ, đảng viên tham gia…
Đến nay, về cơ bản các địa phương đã có khu tổ chức được đề án thu gom rác thải và bố trí được các vị trí để tập kết chờ xe vận chuyển đi xử lý, hoạt động này góp phần giải quyết đáng kể vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn nông thôn./.