Hậu Giang: Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
14:39 - 26/07/2022
(KNTC)- Thực hiện Kế hoạch 402 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN và được thống nhất của cấp uỷ, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh ban hành quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022 và Tổ giúp việc về giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, 29 doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng CSXH trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.592 người lao động với số tiền 12.653 triệu đồng.


Qua giám sát cho thấy, ngân hàng đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành 05 văn bản chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vổn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
 
 
Đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo rà soát trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ để kịp thời có hướng khắc phục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
 
 
UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện chịu trách nhiệm ban hành quyết định dừng hoạt động, hoặc tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phòng chống dịch; chỉ đạo ngành thuế xác nhận kết quả quyết toán thuế, ngành bảo hiểm xã hội xác nhận lao động tham gia bảo hiểm y tế chung tay thực hiện chủ trương.
 
 
Bên cạnh đó, ngân hàng CSXH đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo các Phòng giao dịch trực thuộc thực hiện tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng lao động tiêp cận chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
 
 
Tại cấp huyện, 8/8 Phòng giao dịch ngân hàng CSXH cũng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện và Trưởng ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH cấp huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với ngân hàng CSXH để tổ chức thực hiện; niêm yết và công khai số điện thoại đường dây nóng của Chi nhánh, các Phòng giao dịch lên cổng thông tin điện tử của Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh để kịp thời tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đủ điều kiện và có nhu cầu làm thủ tục vay vốn.
 
 
Ngân hàng CSXH đã phối hợp với các cơ quan Bảo hiểm Xã hội nắm danh sách doanh nghiệp có sử dụng lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc trên địa bàn tỉnh. Theo đó toàn tỉnh có 579 doanh nghiệp với 38.508 người lao động tham gia bảo biểm bắt buộc. Trong quá trình triển khai thực hiện chi nhánh ngân hàng CSXH đã liên hệ và rà soát được 547 người sử dụng lao động để rà soát nhu cầu vay vốn.
 
 
Ngân hàng CSXH còn phối hợp với Sở Lao động - Thương bình và Xã hội tỉnh rà soát tình hình người lao động ngừng việc; doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để nắm danh sách các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó trên địa bàn tỉnh có 37 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, trong đó có 23 doanh nghiệp với 1.647 người lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc; có 22 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, trong đó có 7 doanh nghiệp với 25 người lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc. Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh đã liên hệ trực tiếp với từng doanh nghiệp để thông báo chính sách cho vay theo Nghị quyết 68 và 126 của Chính phủ.
 
 
Chi nhánh ngân hàng CSXH đã phối hợp và đề nghị Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 đến các doanh nghiệp đang hoạt động trong các Khu công nghiệp tỉnh. Các doanh nghiệp nếu đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn được đề nghị liên hệ với ngân hàng CSXH trên địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở (hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) để được hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.
 
 
Ngân hàng CSXH còn phối hợp với cơ quan truyền thông, báo, đài, cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện, hệ thống loa truyền thanh của địa phương để thực hiện 393 lượt tin, bài, phóng sự tuyên truyền giúp người dân nắm được chính sách mới của Chính phủ. Ngân hàng CSXH còn thực hiện tuyên truyền được 547 lượt doanh nghiệp trên địa bàn với hình thức trao đổi trực tiếp qua các số điện thoại cá nhân đại diện cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó đã gửi thông báo thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ trực tiếp đến các doanh nghiệp biết để có thể liên hệ với ngân hàng CSXH tại nơi trụ sở Doanh nghiệp hoạt động.
 
 
Nhờ đó, ngân hàng CSXH đã rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động tại địa phương. Kết quả có 31 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho 1.642 lao động ngừng việc tại địa phương với tổng số vốn vay 12.827 triệu đồng.
 
 
Đến nay, 29 doanh nghiệp (68 lượt doanh nghiệp vay) được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.592 người lao động (3.786 lượt người lao động) với số tiền 12.653 triệu đồng. Trong đó: Hỗ trợ 22 doanh nghiệp (44 lượt doanh nghiệp) vay vốn trả lương ngừng việc cho 350 người lao động (611 lượt người lao động) với số tiền 1.900 triệu đồng; hỗ trợ 10 doanh nghiệp (24 lượt doanh nghiệp) vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho 1.242 người lao động (3.1751 lượt người lao động) với số tiền 10.753 triệu đồng. Có 3 doanh nghiệp vừa vay trả lương ngừng việc vừa vay trả lương phục hồi sản xuất.
 
 
Căn cứ vào hồ sơ được tiếp nhận, ngân hàng CSXH tỉnh đã được xem xét, phê duyệt và giao vốn 25 đợt với tổng số tiền 12.655 triệu đồng. Đến nay, ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân 12.653 triệu đồng cho 68 lượt doanh nghiệp.
 
 
Đoàn giám sát đã khảo sát ngẫu nhiên thực tế 03 hồ sơ của 03 doanh nghiệp. Kết quả: Công ty cổ phần may Nhật Thành - huyện Châu Thành A vay trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất với 3 khoản vay: 892 triệu đồng, 882 triệu đồng, 930 triệu đồng; Công ty TNHH xuất nhập khẩu Ánh Minh - huyện Châu Thành vay trả lương ngừng việc 102 triệu đồng; Công ty TNHH may Nhà Bè - thành phố Vị Thanh vay trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất với 3 khoản vay: 2.240 triệu đồng, 1.667 triệu đồng, 2.504 triệu đồng.
 
 
Các hồ sơ vay vốn theo quy định đầy đủ, phù hợp, tuân thủ thời gian giải quyết. Mức cho vay căn cứ vào danh sách lương đã được BHXH tỉnh phê duyệt. Hồ sơ có thu thập đầy đủ thông tin CIC để chứng minh việc khách hàng không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng; việc kiểm tra sử dụng vốn vay được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tài liệu chứng minh đầy đủ; thời gian thực hiện hồ sơ theo đúng thời gian quy định.
 
 
Tại buổi giám sát, Đoàn giám sát được nghe trực tiếp các ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và hệ thống ngân hàng CSXH địa phương đã chủ động triển khai các chính sách của Chính phủ, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay nhanh và kịp thời, từ đó giúp doanh nghiệp có thêm động lực để tiếp tục hoạt động, phục hồi sản xuất hiệu quả.
 
 
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn tỉnh để doanh nghiệp đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách; ngân hàng CSXH tỉnh theo dõi tình hình hoạt động của các đơn vị cho vay, thu hồi nợ cho vay theo quy định.
Việt Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp