Thành phố Hồ Chí Minh: Giám sát thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp
(KNTC)- Thực hiện Kế hoạch 78 của Ban Thường vụ Hội ND thành phố về tổ chức giám sát việc thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại các huyện: Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, Hội ND thành phố đã thành lập Đoàn giám sát do Chủ tịch Hội ND thành phố làm Trưởng đoàn.
|
Từ kết quả giám sát, Đoàn đã kiến nghị UBND thành phố cho phép áp dụng văn bản số 3680 của UBND thành phố về hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Thông qua báo cáo kết quả thực hiện văn bản số 3680 của UBND thành phố về hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại các huyện: Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè cho thấy UBND các huyện đều ban hành văn bản để triển khai thực hiện hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại địa bàn.
Trong đó, UBND huyện Củ Chi ban hành kế hoạch số 11900 thực hiện thí điểm xây dựng và Quyết định 7129 kèm theo quy chế quản lý xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác; UBND huyện Nhà Bè ban hành Quyết định 2069 về quy chế phối hợp tiếp nhận, giải quyết thực hiện thí điểm xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp khác; UBND huyện Cần Giờ ban hành Quyết định 2718 và 2719 về thành lập Tổ thẩm định phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp có xây dựng công trình trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác và Quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký, thỏa thuận phương án sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, UBND huyện Cần Giờ còn tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy kết luận lãnh đạo thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác qua Thông báo số 156 của Văn phòng Huyện ủy. UBND các huyện Củ Chi, Cần Giờ còn thành lập các tổ công tác liên ngành xét duyệt phương án và thành lập Ban chỉ đạo để kiểm tra xây dựng.
UBND huyện Cần Giờ đã ban hành Công văn 3102 tăng cường công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện Công văn 3680 của UBND thành phố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp Hội ND huyện tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, nông dân trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, UBND các huyện còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động và rà soát thực tế nhu cầu sản xuất trên địa bàn, đối chiếu với các nội dung quy định cho phép thí điểm để đề xuất phù hợp.
Đến nay, UBND huyện Củ Chi đã triển khai thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp tại 20 xã của huyện, đã giải quyết được 120 trường hợp xây dựng nhà giữ vườn, nhà màng, lưới, kho chứa vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, UBND huyện đã thực hiện thỏa thuận 04 phương án sản xuất nông nghiệp có công trình xây dựng, UBND xã giải quyết 116 trường hợp.
UBND huyện Nhà Bè tiếp nhận 37 hồ sơ theo Quyết định 141 của UBND huyện về ban hành quy định tạm thời về phê duyệt phương án sản xuất nông nghiệp có xây dựng công trình trên đất nông nghiệp (kèm phương án sản xuất nông nghiệp có xây dựng công trình trên đất). Qua làm việc, UBND huyện xác định được 06 trường hợp người dân có nhu cầu và đã gửi thông báo đến UBND các xã thực hiện theo nhóm I và 01 trường hợp nhóm II đủ điều kiện UBND huyện đang thẩm định.
UBND huyện Cần Giờ triển khai tới UBND các xã, thị trấn đăng ký 02 mô hình sản xuất nông nghiệp/xã, thị trấn. Kết quả có 6 xã đăng ký 12 mô hình với các loại hình trồng trọt, chăn nuôi thủy, hải sản...
Với nhóm I, UBND các xã, thị trấn đã thỏa thuận 13 phương án sản xuất có xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp khác (xây dựng công trình nhà màng, nhà lưới, chồi canh, kho chứa vật tư nông nghiệp). Tổng diện tích 153.008 m2, trong đó có 15 công trình xây dựng phụ trợ diện tích 11.625 m2; diện tích phục vụ sản xuất 49.204,8 m2.
Với nhóm II, UBND huyện đã thỏa thuận 02 phương án sản xuất có xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp khác. Tổng diện tích 461.246 m2, trong đó có 06 hạng mục công trình phụ trợ trên diện tích 1.251,95 m2.
Sau khi xác nhận phương án sản xuất, UBND các xã, thị trấn chuyển cho Tổ Quản lý trật tự đô thị của xã, thị trấn để theo dõi kiểm tra và xử lý theo quy định. Đồng thời, UBND huyện chuyển hồ sơ cho Đội thanh tra xây dựng địa bàn tổ chức việc kiểm tra, giám sát công trình xây dựng. Phòng Kinh tế (Tổ trưởng tổ thẩm định) đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung thỏa thuận trong phương án sản xuất của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12 của Thành ủy, các phương án sản xuất được thỏa thuận có xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp không triển khai thực hiện được do không có công nhân dân xây dựng dẫn đến mô hình chậm.
Qua giám sát cho thấy, các đơn vị xây dựng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền chủ trương thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác trên địa bàn 3 huyện. UBND kịp thời ban hành các kế hoạch lãnh đạo, quyết định thành lập các Thành lập các tổ công tác liên ngành xét duyệt phương án và thành lập Ban chỉ đạo để kiểm tra xây dựng; ban hành quy chế, quy trình các bước thực hiện.
Việc triển khai thực hiện chủ trương xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện đã giải quyết được nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, đặt biệt đối với nhu cầu của các hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng khả năng sử dụng đất trong sản xuất.
Đoàn Giám sát đưa ra những nội dung cần lưu ý như: Tỷ lệ thực hiện giải quyết việc xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác chưa cao. Cụ thể huyện Nhà Bè thực hiện 6/32 hộ (tỷ lệ nhóm I đạt 100%, nhóm II đạt 0%); huyện Cần Giờ giải quyết 17/145 hộ (tỷ lệ nhóm I đạt 22,38%, nhóm II đạt 2,56%); huyện Củ Chi thực hiện 117/532 hộ (tỷ lệ hộ nhóm I đạt 21,87%; nhóm II đạt 25%).
Tỷ lệ hộ nông nghiệp có nhu xây dựng các công trình phụ trợ đạt 709/12.950 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 3 huyện (tỷ lệ 5,47%), Đoàn lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ nông dân chủ động thực hiện xây dựng công trình phụ trợ thuộc nhóm I và đặc biệt quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các hộ nông dân có nhu cầu xây dựng tạm thuộc nhóm II.
UBND các huyện cần tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của UBND thành phố, chỉ đạo của huyện ủy, UBND huyện đến từng gia đình hội viên, nông dân; tiếp tục chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp Trạm Khuyến nông hỗ trợ hội viên, nông dân lập dự án đảm bảo đúng quy định và đúng nhu cầu thực tế. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp khác đảm bảo theo quy định kết cấu xây dựng, mục đích sử dụng ; phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, nhân rộng các gương hộ nông dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả sau thời gian thực hiện xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, xã; triển khai nắm tình hình, phản ánh, kiến nghị của hội viên, nông dân trước, trong và sau khi thực hiện chủ trương; kịp thời đề xuất với Sở, ngành chức năng tháo gỡ khó khăn của hội viên, nông dân.
Từ kết quả giám sát, Đoàn đã kiến nghị UBND thành phố cho phép áp dụng văn bản số 3680 của UBND thành phố về hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác tại 3 huyện: Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, thời gian thực hiện 3 năm; đối với 2 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn và các quận còn sản xuất nông nghiệp (thành phố Thủ Đức, Quận 12, Quận Bình Tân, phường 28 quận Bình Thạnh) trong năm 2022, 2023 vì đây là các đơn vị có nhiều hoạt động nông nghiệp hiệu quả, thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có nhu cầu thực sự để phát triển nông nghiệp nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đoàn kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng công trình phụ trợ (nhóm I và nhóm II) trên đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác đang trong quy hoạch đồng thời đối tượng thụ hưởng sẽ có cam kết tháo dỡ, không bồi thường khi triển khai thực hiện các dự án: Khu Đô thị Tây Bắc thành phố, khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, Phường 28 quận Bình Thạnh...
Đoàn kiến nghị UBND thành phố có hướng dẫn về cơ chế đối với trường hợp người dân có nhu cầu thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp trên phần đất thuộc chủ quyền nhưng chưa đảm bảo kết nối hạ tầng theo quy định quy định đất có tiếp giáp đường giao thông công cộng mới đủ điều kiện để xem xét việc xây dựng các công trình phụ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kiến nghị UBND thành phố xem xét tính phù hợp của quy định việc thực hiện công trình phụ trợ thuộc nhóm II quy định mật độ xây dựng tối đa không quá 5% tổng mặt bằng khu đất nên chưa thể mang lại hiệu quả đối với các hộ trồng nấm, trồng lan, chuồng trại... có quy mô lớn; khuyến khích các hộ hội viên, nông dân đầu tư thêm phương án xin lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời hòa lưới hoặc độc lập trên mái lợp công trình phụ trợ để sử dụng phục vụ cho sản xuất.