Các cấp Hội phối hợp tổ chức 982 đoàn giám sát liên ngành
15:22 - 06/12/2020
(KNTC) - Năm 2020, Trung ương Hội NDVN phối hợp tổ chức sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
|
Các cấp Hội tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân đối với nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Ảnh minh họa) |
Đây là dịp để bà con nông dân bày tỏ, kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ trong giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, ổn định đời sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Ban tổ chức đã tiếp nhận hơn 2.200 câu hỏi khác nhau cho bà con nông dân trực tiếp gửi đến Hội ND các cấp; các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Trung ương Hội đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản của Đảng và Nhà nước và các bộ, ngành.
Nhiều ý kiến phản biện có chất lượng cao được các ngành đánh giá và ghi nhận như: Dự thảo Thông tri của Ủy ban Trung ương Mặt Trận TQVN về việc giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; dự thảo Nghị định định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; Nghị định định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2020, các cấp Hội ở địa phương đã tổ chức 1.597 đoàn giám sát (do Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện chủ trì); tham gia 1.646 đoàn giám sát do Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì; nghiên cứu, xem xét các văn bản, báo cáo về thực trạng tình hình quản lý đất nông, lâm nghiệp của các cơ quan chức năng ở địa phương; tiếp thu phản ánh, kiến nghị của hội viên, nông dân.
Qua giám sát, Hội ND tỉnh đã kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong quản lý việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; góp phần bảo vệ lợi ích của hội viên, nông dân khi sử dụng vật tư nông nghiệp.
Các cấp Hội ở địa phương đã phối hợp tổ chức 982 đoàn liên ngành giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp (trong đó tập trung giám sát cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm).
Bên cạnh đó, tỉnh Hội còn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân đối với nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thông qua phối hợp với báo, đài của địa phương; thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi, tổ Hội; hoạt động của các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; lồng ghép với việc tổ chức các phong trào nông dân...
Các tỉnh, thành Hội chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn, hướng tới mọi người dân đều được sử dụng sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe con người cũng như bảo vệ mội trường cho cuộc sống.
Năm 2020, Hội ND các tỉnh, thành phố tích cực tham gia và chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết,chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch,vững mạnh.
Bên cạnh đó, Hội còn tích cực tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân hiểu về vai trò, tầm quan trọng của giám sát và phản biện xã hội và trách nhiệm của cán bộ, hội viên. Từ đó tích cực động viên cán bộ, hội viên, nông dân góp ý kiến vào các dự thảo kế hoạch, đề án của Trung ương Hội như: Dự thảo Chương trình phối hợp công tác giữa Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh hiện đại, hợp tác xã kiểu mới và Chi Hội Nông dân nghề nghiệp giai đoạn 2020-2023; dự thảo Hướng dẫn thực hiện Quy định 212-QĐ/TW của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; dự thảo Hướng dẫn Quy trình thành lập, nội dung sinh hoạt, nguyên tắc hoạt động của Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp; dự thảo Hướng dẫn thực hiện sắp xếp tổ chức Hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; Danh mục các tài liệu của Đảng và Nhà nước về Hội, các Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận của BTV, BCH TW Hội; Đề xuất, phản ánh những vướng mắc, hạn chế của hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Bên cạnh đó, Hội ND các tỉnh, thành phố còn tích cực tham gia góp ý vào Đề án sáp nhập đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; Dự thảo Hướng dẫn thi hành Điều lệ HND Việt Nam khóa VII; Dự thảo Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Hội NDVN.
Kết quả đã tham gia góp ý 12.238 ý kiến vào các văn như: Dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp, nghị quyết, chương trình, đề án, dự án, quy hoạch của tỉnh, phản biện về các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đề xuất các giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành Hội còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh tổ chức giám sát và phản biện xã hội về các nội dung liên quan đến các lĩnh vực như: y tế, chế độ chính sách, đời sống nhân dân như: Dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 77/2017/NQ-HĐND ngày 07/7/2017 về quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố) trên địa bàn tỉnh; Dự thảo Nghị quyết quy định hỗ trợ một phần kinh phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, Hội ND các tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố tham gia phản biện xã hội, đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định của Ủy ban nhân dân, các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, để án, quy hoạch, những chính sách của tỉnh làm cơ sở phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Có thể nói, Hội ND một số tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa Quy chế bằng các hoạt động giám sát một số chính sách, pháp luật bảo lợi ích chính đáng, thiết thực của hội viên, nông dân; phối hợp với ngành liên quan tổ chức tập huấn cán bộ Hội; thành lập một số đoàn giám sát liên ngành giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp tạo sự chuyển biến về nhận thức của nông dân và sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội về hoạt động giám sát của Hội NDVN.
Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Hội ND từ tỉnh đến xã được các cơ quan tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền các đại phương khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Hạ Du