Hội ND thành phố Hà Nội: Thực hiện trên 6.600 cuộc kiểm tra, giám sát
(KNTC) - Thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, năm năm qua, các cấp Hội đã thực hiện 6.617 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Hội; sử dụng các nguồn vốn, quỹ do Hội quản lý.
Thực hiện kế hoạch liên tịch 71 của Hội ND với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thành phố về giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn thành phố, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội gắn với công tác giám sát trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp cho 980 cán bộ chủ chốt các cơ sở Hội; tổ chức và phối hợp tổ chức 1.410 cuộc giám sát, trong đó cấp thành phố chủ trì tổ chức 10 cuộc, cấp huyện, thị 84 cuộc.
Thông qua giám sát liên ngành đã phát hiện một số vi phạm của các chủ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và yêu cầu chấn chỉnh như: Niêm yết giá chưa đầy đủ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, sắp xếp của hàng chưa ngăn nắp, có hóa đơn nhưng chỉ là hóa đơn thông thường, một số cửa hàng kinh doanh tự phát... Đoàn giám sát đã kiến nghị, đề xuất điều chỉnh những quy định phù hợp với tình hình thực tế đời sống xã hội; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của Nhà nước nhằm hạn chế tình trạng hội viên, nông dân mua phải vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Cùng với hoạt động giám sát, cán bộ, hội viên, nông dân còn tham gia góp ý vào các văn bản dự thảo về các chính sách pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước, thành phố và địa phương. Qua đó, kiến nghị, bổ sung những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Năm năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các ngành chức năng cùng cấp tham gia đóng góp 2.950 ý kiến vào 465 dự thảo các văn bản chính sách, pháp luật. Trong đó, có 1.120 ý kiến vào 02 văn bản dự thảo chính sách pháp luật: Dự thảo sửa đổi Luật Tố cáo năm 2018, quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Các ý kiến phản biện đã góp phần hoàn thiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống.