Đồng Tháp: Tham gia hòa giải thành 18.234/22.737 vụ mâu thuẫn, tranh chấp
Thực hiện Kết luận 120 của Bộ Chính trị khóa XI về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp Hội đã quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong cán bộ, hội viên, nông dân, cụ thể hóa Kết luận và các văn bản hướng dẫn của Trung ương Hội, của tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, để chỉ đạo thực hiện thường xuyên trong hệ thống Hội.
Hàng năm, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thông qua các cuộc họp Ban Chấp hành, chi, tổ Hội tổ chức 7.040 buổi tuyên truyền cho trên 880.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về nội dung Kết luận số 120, các văn bản hướng dẫn thi hành tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và những chính sách pháp luật mới có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Chương trình phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, Hội tổ chức 3 lớp tập huấn công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cho 432 cán bộ Hội là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội, chi Hội trưởng ở 139 xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn kỹ năng điều hành Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" với 292 cán bộ tham dự.
Ngoài ra, năm 2020, Hội đã giám sát việc triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 tại Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò và Tháp Mười. Bên cạnh đó, các cấp Hội, hội viên, nông dân cũng tham gia góp ý phản biện các văn bản dự thảo của cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân, các ngành liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các cấp Hội đã thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp để nhân dân được tham gia bàn bạc và quyết định những công việc tại cơ sở, cộng đồng dân cư; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản, nhằm mở rộng hình thức tự quản, tự chịu trách nhiệm trong cộng đồng dân cư đối với các vấn đề liên quan đến cuộc sống thiết thực hàng ngày của nhân dân như: Xây dựng nông thôn mới; giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường; xây dựng gia đình khóm, ấp văn hoá; giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nông dân…