Hà Giang: Tham gia đóng góp ý kiến vào gần 30 dự thảo văn bản tại địa phương
10:48 - 02/02/2020
(KNTC) – Năm 2019, các cấp Hội tập trung tổ chức kiểm tra được 840 cuộc, trong đó tập trung vào Quỹ HTND và chương trình ủy thác ngân hàng CSXH.
Công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Hội cấp dưới, đồng thời xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng phong trào nông dân ngày càng phát triển (Ảnh minh họa)



Một số huyện làm tốt công tác kiểm tra như: Huyện Bắc Quang, huyện Xí Mần. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Hội cấp dưới, góp phần xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng phong trào nông dân ngày càng phát triển, phát hiện những gương điển hình, những cách làm hay và sáng tạo để nêu gương và nhân rộng.


Căn cứ Đề án số 01 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về việc xây dựng Đề án Ủy ban kiểm tra Hội ND các cấp, nhiệm kỳ 2018-2023, Hội đã bầu 634 đồng chí tham gia Ủy ban kiểm tra các cấp.


Các cấp Hội chủ trì, phối hợp tổ chức 135 cuộc giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; các chính sách pháp luật về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.


Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố và cơ sở tích cực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ cùng cấp xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn giám sát theo chuyên đề và tham gia phản biện xã hội.


Năm 2019, Hội đã tham gia phản biện, đóng góp ý kiến vào 28 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền các cấp.


Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh hướng dẫn các cấp Hội trong tỉnh vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia góp ý vào các dự án luật, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, các cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo quy định.


Kết quả, Hội đã tham gia 28 ý kiến vào dự thảo Quyết định, Đề án Luật. Các cấp Hội cơ sở đã tham gia góp ý, phản biện vào đề án, chương trình của địa phương và tham gia ý kiến chỉnh sửa bổ sung quy ước, hương ước của các thôn bản, tổ dân phố.


Hội ND cấp cơ sở phối hợp với Ủy ban MTTQ các tổ chức đoàn thể huyện tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch: Phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phương án phòng chống dịch bệnh một số cây trồng trên địa bàn tại địa phương; phát triển nửa triệu con gia súc hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo tỷ trọng chăn nuôi 2019; mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2019, Đề án sản xuất nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.


Ngoài ra, Hội còn tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào các chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết, quyết định, đề án, phương án trình tại các Hội nghị của địa phương có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân.


Các cấp Hội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận cùng cấp tham gia 42 cuộc tiếp xúc cử  tri tại các xã, thị trấn với trên 3.160 cử tri tham gia.


Các ý kiến kiến nghị của cử tri tập trung vào các vấn đề về giống cây trồng, vật nuôi; các chính sách xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng; an sinh xã hội; quản lý và sử dụng đất đai; đền bù giải phóng mặt bằng; Luật hôn nhân và gia đình; hỗ trợ chế độ cho lực lượng dân quân xã, thị trấn khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định, chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn...


Triển khai Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đã phối hợp xây dựng 01 mô hình chỉ đạo điểm về “Hội ND tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát và phản biện xã hội”; duy trì 24 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, 957 tổ hòa giải ở cơ sở.


Hiện nay, toàn tỉnh có 189 tủ sách pháp luật với 14.489 đầu sách cho 8.719 lượt hội viên tham khảo.


Các cấp Hội đã tham gia giải quyết 181 vụ khiếu nại, trong đó Hội trực tiếp giải quyết 16 vụ, phối hợp giải quyết 165 vụ.


Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2019, các cấp Hội cơ sở chủ động phối hợp với Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật cùng cấp tuyên truyền phổ biến Phổ biến Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Luật hòa giải ở cơ sở và các luật, pháp lệnh mới ban hành hoặc có hiệu lực năm 2018 và 2019 như: Luật quản lý nợ công, Luật cảnh vệ, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật chuyển giao công nghệ, Luật thủy lợi, Luật đường sắt, Luật tiếp cận thông tin, Luật quốc phòng, Luật an ninh mạng, Luật tố cáo đến hội viên, nông dân trên địa bàn.


Các cấp Hội cơ sở xây dựng kế hoạch phối hợp với phòng Tư pháp huyện củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, đảm bảo kinh phí hoạt động, từng bước nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.


Thông qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các xã, thị trấn vào các buổi họp thôn, tổ dân phố và sinh hoạt định kỳ của thôn, Hội đã phổ biến pháp luật cho 90.612 lượt người đạt 91% kế hoạch; trợ giúp pháp lý cho 6.026 lượt người đạt 111% kế hoạch; phối hợp với Trung ương Hội NNDVN tổ chức 02 lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho trên 220 cán bộ, hội viên, nông dân tại thành phố Hà Giang.


Năm 2020, các cấp Hội tổ chức hoạt động Ủy ban kiểm tra theo quy định của Điều lệ Hội; thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch ban hành; tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ; giám sát theo kế hoạch và tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị.

 

Nam Thái
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp