Cà Mau: Hòa giải thành trên 8.000 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân
15:38 - 10/10/2018
(KNTC) – Những năm qua, Hội ND tỉnh đã tích cực triển khai kế hoạch kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân tại các huyện, thị, thành Hội. 
Các cơ sở Hội đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội trong việc triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn (Ảnh minh họa)


Trên cơ sở đó, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để triển khai thực hiện công tác kiểm tra theo định kỳ và thường xuyên ở các cơ sở Hội.


Ban Thường vụ Hội ND tỉnh kiện toàn Ban kiểm tra theo Điều lệ Hội, Hội ND các huyện, thành phố kịp thời củng cố, bổ sung thành viên Ban kiểm tra. Đến nay, có 300 cán bộ Hội đảm trách công tác kiểm tra.


Từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội tổ chức 2.905 cuộc kiểm tra tại cơ sở, chi, tổ Hội; thực hiện 540 cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề; chấn chỉnh về chế độ thông tin, báo cáo, lề lối làm việc; kịp thời hướng dẫn, xử lý những vấn đề bất cập trong công tác quản lý hội viên, việc cấp và đổi thẻ Hội viên tại cơ sở.


Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo, hiệu quả phổ biến, nhân rộng, đồng thời cũng phát hiện những tồn tại hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời tại các cơ sở Hội.
 

Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội và hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn của địa phương.


Ban Thường vụ Hội ND tỉnh ban hành Hướng dẫn số 05 về thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở; 5.134 cán bộ Hội được bồi dưỡng nội dung, quy trình, phương pháp thực hiện giám sát, phản biện xã hội.
 

Các cấp Hội đã tích cực góp ý trong việc xây dựng quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đề xuất các giải pháp thực hiện đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất tôm, lúa của tỉnh, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, vấn đề nông dân chuyển dịch tự phát từ đất trồng lúa, trồng mía, trồng rừng sang nuôi tôm; tổng hợp những khó khăn tại các vùng quy hoạch nuôi tôm thâm canh, lúa - tôm, tôm - rừng, hệ thống kênh mương, điện sản xuất, chính sách bảo hiểm cho con tôm, cây lúa, tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước, chất lượng con giống và những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách tiêu thụ nông sản.

 
Các cấp Hội đã tổ chức tọa đàm, đối thoại, hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi: Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật hình sự, các văn bản của Nhà nước có liên quan đến nông dân.


Qua đó, tập hợp ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng hội viên, nông dân với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc những vấn đề có liên quan trong việc chấp hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương.
 

Bên cạnh đó, các cấp Hội phát huy tốt quyền và trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân, trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; tập trung triển khai thực hiện tốt Quyết định số 218 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của TƯ Hội, tỉnh Hội về tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân góp ý kiến vào văn kiện và nhân sự trình Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng; phát huy vai trò của các cấp Hội phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 
Đồng thời, các cấp Hội thường xuyên nắm bắt tình hình nông nghiệp, nông thôn, những khó khăn, bức xúc của nông dân trong lĩnh vực sản xuất và đời sống, qua đó kịp thời báo cáo đề xuất với cấp ủy, chính quyền có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hạn hán, xâm nhập mặn, bảo hiểm thí điểm nuôi tôm, phát gạo cứu trợ cho các hộ nghèo; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước, điện sản xuất trong vùng nuôi tôm công nghiệp; chất lượng tôm giống, lúa giống, hàng giả, hàng kém chất lượng, tín dụng đen, bán hàng đa cấp lừa đảo nông dân.
 

Các cấp Hội còn chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện, chấp hành pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện các chính sách của Nhà nước; phối kết hợp với Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể cơ sở nắm tâm trạng, nguyện vọng của nông dân trong việc thực hiện các chủ trương chính sách hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống.

 
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội đã chọn xã Khánh Hội, huyện U Minh làm điểm triển khai thực hiện Quyết định 81 gắn với hỗ trợ xã xây dựng nông thôn mới.  


Đồng thời, Hội ND các huyện, thành phố tổ chức 50 lớp bồi dưỡng về Luật hòa giải, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo cho 1.720 cán bộ; cấp sổ tay “hỏi và đáp về pháp luật” đến 100% các chi Hội.

 
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hòa giải tại cơ sở được tăng cường, các cấp Hội đã phối hợp hòa giải 157 vụ tranh chấp trong nội bộ nông dân, liên quan đến đất đai, mâu thuẫn trong gia đình, thân tộc, hôn nhân gia đình, mượn tiền, tài sản thừa kế.

 
Các chi, tổ Hội và cơ sở Hội phối hợp hòa giải thành 8.369 vụ, cho 11.347 hội viên, nông dân; thành lập 10 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” gồm 587 thành viên, tại 8 huyện, thành phố; trang bị 10 tủ sách với 250 đầu sách pháp luật, 10 bộ âm ly, loa phục vụ cho sinh hoạt pháp luật của bà con.

 
Có thể thấy, các cơ sở Hội đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội trong việc triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giải quyết được những trăn trở, băn khoăn của hội viên, nông dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương ngày càng phát triển.


 

Hồng Loan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp