Xã Chư Drăng: Chuyển biến sau một năm xây dựng mô hình điểm
10:18 - 29/03/2018
KNTC)- Năm 2017, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa đã được Hội ND tỉnh Gia Lai sau khi khảo sát, chọn là nơi thực hiện mô hình điểm Hội ND tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

(Ảnh minh họa)
Ngay sau khi thống nhất việc chọn điểm với Hội ND huyện, Hội ND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” năm 2017. Đồng thời, tỉnh Hội đã làm việc với cấp uỷ, chính quyền xã để trao đổi thống nhất chủ trương, nội dung, thời gian, cách thức triển khai và tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình, mức độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên nông dân tại địa phương.

Trước hết, các cấp Hội đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền xã chuẩn bị nhân sự, tham mưu UBND xã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” , xây dựng quy chế hoạt động, danh sách thành viên, mạng lưới cộng tác viên tham gia Câu lạc bộ. Sau đó, tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch, các bước xây dựng mô hình  tại xã và tổ chức Hội nghị ra mắt Câu lạc bộ, gồm có 06 người trong Ban Chủ nhiệm và 46 thành viên.

Câu lạc bộ sinh hoạt ít nhất mỗi tháng một lần. Nội dung sinh hoạt tập trung  vào trao đổi thông tin, tình hình thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương; các giải pháp khuyến khích hội viên, nông dân tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp đồng thời Ban Chủ nhiệm đã phối hợp với cán bộ văn hóa xã tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh.

Nhằm trang bị các kiến thức, nghiệp vụ kỹ năng cấn thiết cho đội ngũ cán bộ xây dựng mô hình, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 02 lớp tập huấn về phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng tổ chức, điều hành cho Ban Chủ nhiệm, thành viên CLB, cán bộ chính quyền, Hội ND xã và tập huấn nghiệp vụ công tác hoà giải, tư vấn, tuyên truyền pháp luật về Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở... cho đội ngũ cộng tác viên thôn, làng. Tỉnh Hội cũng đã Biên soạn tài liệu phát thanh và trang bị 217 cuốn sách pháp luật cho Câu lạc bộ. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện và xã đã tổ chức 6 lớp tập huấn trang bị các kiến thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đất đai, bảo vệ môi trường, pháp lệnh dân chủ cho hội viên, nông dân.

Công tác tiếp dân và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân là một trong những nội dung quan trọng của mô hình, trong năm, Hội ND xã phối hợp với chính quyền để tham gia tiếp dân và tổ chức các buổi đối thoại, giải đáp các khiếu nại, vướng mắc của nông dân. Hơn nữa, Hội ND đã phối hợp với chính quyền công khai chủ trương, chính sách, các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội  năm 2017 của địa phương, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho nông dân biết; tình hình thực hiện và kết quả đạt được trong quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; tham gia giám sát các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

Kết quả xây dựng mô hình cho thấy nhận thức  và ý thức chấp hành pháp luật của người dân ở xã ngày càng nâng lên, luôn đề cao cảnh giác để chủ động đấu tranh chống lại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; âm mưu phục hồi của bọn phản động FULRO, “Tin lành Đê ga” nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tốt hơn góp phần ổn định an ninh - chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Thanh Hương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp