Quảng Trị: Hạn chế nảy sinh những mâu thuẫn lớn, khiếu kiện vượt cấp
(KNTC)- Hiện nay, toàn tỉnh có 94/141 xã, phường, thị trấn xây dựng Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, sinh hoạt theo định kỳ 1 tháng/lần. Tổ chức 185 điểm trợ giúp pháp lý với 12.267 người, tuyên truyền pháp luật 955 buổi với 64.236 người tham gia.
|
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 81 đề nghị các cấp Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ |
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân từng bước đi vào nền nếp, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định, chất lượng được nâng lên. Phát huy quyền dân chủ của hội viên, nông dân trong thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
Thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và nâng cao trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Đã tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và nâng cao năng lực vận dụng pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ cấp cơ sở góp phần hạn chế vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương…
Hội Nông dân tỉnh cũng vừa tổ chức Hội nghị tổng kết xây dụng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” tại xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong.
Sau 1 năm thực hiện, mô hình điểm thực hiện Quyết định 81 được triển khai đúng tiến độ theo kế hoạh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả với các nội dung: Hội nghị triển khai xây dựng mô hình, Thành lập Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật gồm có 50 thành viên; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền cho các thành viên CLB, tổ chức duy trì sinh hoạt hàng tháng; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho các nhóm công tác viên, cán bộ thôn, hòa giải viên; 8 lớp phổ biến pháp luật cho nông dân tại 8 thôn.
Bên cạnh đó tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát, phản biện xã hội đã thực hiện quyết định 81; tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân phối hợp hòa giải thành 10 vụ, tham gia tiếp dân và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của nông dân; tổ chức đối thoại tư vấn giải thích pháp luật cho nông dân.
Mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ kỹ năng thực hiện, thực thi pháp luật và giải đáp thắc mắc của người dân thông qua các buổi phổ biến pháp luật, sinh hoạt CLB; Đồng thời tuyên truyền giúp người dân hiểu hơn về pháp luật để áp dụng vào cuộc sống và bảo vệ quyền lợi của chính mình. Từ đó tình trạng khiếu nại, khiếu kiện hạn chế hơn trước. Giúp người dân nắm rõ hơn các luật: Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Môi trường, Luật Chính quyền địa phương, Luật HTX, Luật Hôn nhân gia đình…
Thời gian tới, BCĐ 81 đề ra các nhiệm vụ chính: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các Chỉ thị, văn bản của Trung ương và địa phương về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các Luật liên quan đến khiếu nại tố cáo, tiếp công dân; Phối hợp với các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, các ngành chức năng ở cơ sở để thực hiện tốt công tác hòa giải trong hộ nông dân một cách triệt để nhằm hạn chế nảy sinh những mâu thuẫn lớn, khiếu kiện vượt cấp; Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt, cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nhân dân trên địa bàn…