Khánh Hòa: Tăng cường tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân
(KNTC)- Năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” và chỉ đạo các huyện, thị, thành Hội xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai đến các cấp Hội.
Các cấp Hội ND trong tỉnh đều bố trí cán bộ tham gia tiếp hội viên, nông dân và xử lý đơn thư. Đối với những đơn thư thuộc thẩm quyền của Hội thì tiến hành giải quyết, đơn thư không thuộc thẩm quyền thì Hội tham gia giải quyết cùng với các ngành chức năng. Đồng thời, cán bộ Hội còn có nhiệm vụ giải thích, hướng dẫn, trả lời cho hội viên, nông dân biết về pháp luật, hướng dẫn gửi đơn thư đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong năm, Hội hoà giải thành 256 vụ việc, phối hợp giải quyết 291 đơn thư khiếu nại tố cáo, trong đó gủi trực tiếp đến Hội 22 đơn thư. Có những vụ mâu thuẫn, phức tạp không thể hòa giải được ngay, cán bộ Hội phối hợp với tổ hòa giải của chính quyền, phân tích và giúp đỡ hội viên, nông dân tìm hiểu các quy định của pháp luật, từ đó tự thỏa thuận, tháo gỡ vướng mắc giảm hẳn việc phát sinh khiếu kiện.
Đồng thời, các cấp Hội chủ động lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân và các nghị định hướng dẫn thi hành trong các chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương, trong đó chú trọng việc thông tin, tuyên truyền về các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể để công dân tự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, đảm bảo việc khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng pháp luật. Hội ND tỉnh đã cung cấp tài liệu Hỏi - đáp pháp luật về thực hiện các quyền của người sử dụng đất; vấn đề bồi thường, tái định cư; công tác hòa giải ở cơ sở; những qui định về khiếu nại, tố cáo và một số chính sách khác; duy trì phát hành Bản tin Nông dân Khánh Hòa định kỳ mỗi quý đến các chi Hội, dùng làm tài liệu tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân được các cấp Hội chú trọng. Bằng nhiều hình thức, sát với hội viên nông dân, trong năm đã tổ chức được 255 buổi tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 10.246 lượt người. Các cấp Hội cùng với chính quyền đã xây dựng cơ chế phối hợp công khai cho dân biết những vấn đề có liên quan đến quyền lợi trực tiếp như đất đai, bồi thường, hỗ trợ giải tỏa, giải phóng mặt bằng, huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, quản lý thu chi các nguồn quỹ, các dự án kinh tế, xã hội; nhiều công trình trọng yếu ở cơ sở như đường giao thông nông thôn, hệ thống chiếu sáng, trạm y tế, các công trình phúc lợi… đã được xây dựng dưới hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm... góp phần đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.
Nhân rộng thêm các mô hình điểm thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình tại thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. Tại đây đã tổ chức tập huấn cho trên 100 cán bộ hội viên, nông dân về Luật Đất đai, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật hòa giải ở cơ sở.. giải đáp những thắc mắc của hội viên nông dân liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Đã thành lập và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, bước đầu Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ trang bị phương tiện tuyên truyền, tủ sách với một số đầu sách về pháp luật, tài liệu hướng dẫn về kỹ năng tuyên truyền pháp luật, đồng thời hướng dẫn tổ chức sinh hoạt theo các chuyên đề pháp luật thiết thực, sát với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nông dân, thu hút ngày càng đông các thành viên tham gia sinh hoạt câu lạc bộ.
Đến nay, toàn tỉnh có 73 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” và lực lượng cộng tác viên hòa giải tại các chi Hội; 100% cơ sở Hội trong toàn tỉnh có tủ sách pháp luật với số lượng 173 tủ. Thông qua việc xây dựng chi hội Nông dân văn hóa, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, Tỉnh hội đã phát động xây dựng tủ sách nông dân đến từng chi hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, tham khảo, nâng cao hiểu biết để chấp hành pháp luật.
Như vậy, với sự chủ động phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa Hội Nông dân với chính quyền các cấp, các ngành, trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Kết hợp với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở, mô hình các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đã cung cấp các kiến thức pháp luật thiết thực, kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của nông dân đến cấp ủy, chính quyền, qua đó góp phần ổn định an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.